Các kênh đầu tư ảnh hưởng gì trước lạm phát? (kỳ 2)
Ngoài bất động sản, chứng khoán cũng được xem là một trong những kênh đầu tư rủi ro rất nhạy cảm với biến số lạm phát và lãi suất. Quá khứ cho thấy trong mỗi chu kỳ chính sách tiền tệ thắt chặt với xu hướng lãi suất đi lên trở lại nhằm chống chọi với lạm phát, chứng khoán thường chịu áp lực điều chỉnh không nhỏ, khi những nhà đầu tư nhanh nhạy thường tìm cách sớm thoát khỏi thị trường.
* Các kênh đầu tư ảnh hưởng gì trước lạm phát? (kỳ 1)
Chứng khoán áp lực và phân hóa
Thứ nhất, khi lãi suất tăng trở lại, chi phí vay nợ của doanh nghiệp cũng tăng theo, đặc biệt là với nhóm doanh nghiệp sử dụng đòn bẫy lớn, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp và kế tiếp là giá cổ phiếu. Thứ hai, thị trường chứng khoán lúc này sẽ chịu sự cạnh tranh với kênh tiền gửi ngân hàng nếu mặt bằng lãi suất huy động tăng nhanh, do đó đòi hỏi suất sinh lời của chứng khoán cũng phải cao hơn. Thứ ba, với mặt bằng lãi suất dâng lên, lãi suất chiết khấu được sử dụng trong các mô hình định giá cũng sẽ ở mức cao, ảnh hưởng lên mức định giá cổ phiếu của doanh nghiệp.
Ngoài ra, trong môi trường lãi suất cao khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp với chi phí hợp lý, như vậy các doanh nghiệp sẽ ưu tiên phát hành cổ phiếu để tăng nguồn vốn hoạt động. Hệ quả là nguồn cung cổ phiếu lớn hơn sẽ càng gây áp lực cho giá cổ phiếu doanh nghiệp đó nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung.
Chỉ số Dow Jones của Mỹ đã bước vào xu hướng điều chỉnh từ đầu năm đến nay
Dù vậy, không phải tất cả mọi nhóm ngành hay doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng tiêu cực. Trong bối cảnh lạm phát rồi đến lãi suất tăng cao khiến nền kinh tế đối mặt với thách thức bất ổn, những ngành nghề hay doanh nghiệp có khả năng điều chỉnh giá sản phẩm phù hợp với tình hình lạm phát mà khách hàng vẫn phải chấp nhận, sẽ có thể được lợi. Thậm chí không ít doanh nghiệp còn tận dụng cơ hội giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao để điều chỉnh giá bán sản phẩm đầu ra cao hơn nhiều, nhằm mở rộng biên lợi nhuận.
Đó có thể là những nhóm ngành thiết yếu như lương thực, thực phẩm, y tế, chăm sóc sức khỏe, tiện ích,…vốn có độ nhạy cảm về giá thấp hơn so với những nhóm ngành khác. Về lý thuyết theo chu kỳ, khi chứng khoán bước vào thị trường “con gấu”, đây cũng là những nhóm ngành được nhà đầu tư xem xét ưu tiên nắm giữ chờ qua “mùa đông băng giá”, khi cầu sử dụng những sản phẩm này luôn ổn định trong bất kỳ hoàn cảnh kinh tế nào.
Trong bối cảnh lạm phát rồi đến lãi suất tăng cao khiến nền kinh tế đối mặt với thách thức bất ổn, những ngành nghề hay doanh nghiệp có khả năng điều chỉnh giá sản phẩm phù hợp với tình hình lạm phát mà khách hàng vẫn phải chấp nhận, sẽ có thể được lợi. Thậm chí không ít doanh nghiệp còn tận dụng cơ hội giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao để điều chỉnh giá bán sản phẩm đầu ra cao hơn nhiều, nhằm mở rộng biên lợi nhuận. |
Ngược lại các ngành tài chính ngân hàng, tiêu dùng xa xỉ, bất động sản hay xây dựng sẽ chịu áp lực lớn, do thường sử dụng đòn bẫy vay nợ cao và độ nhạy cảm về giá cũng cao hơn. Đơn cử như ngành ngân hàng, khi lãi suất đầu vào tăng khiến chi phí vốn cao hơn, việc tăng nhanh lãi suất cho vay ngay lập tức có thể gặp nhiều hạn chế, không chỉ vì trái với định hướng giữ ổn định lãi suất vay vốn của nhà điều hành, mà còn vì các khoản cho vay trung dài hạn theo hợp đồng ký kết với khách hàng chỉ có thể điều chỉnh lãi suất vay theo định kỳ hàng quý hoặc 6 tháng/ lần.
Dĩ nhiên không phải các ngành nghề sẽ phản ứng liền tức thì khi lãi suất bắt đầu tăng trở lại, mà thị trường có thể cần phải mất một thời gian thể hiện rõ khi những nguyên lý này dần tác động vào. Nói cách khác, nhà đầu tư khi nhận thấy lạm phát rồi đến mặt bằng lãi suất đang tăng trở lại, cần phải có thêm thời gian để đánh giá liệu đó chỉ là diễn biến nhất thời hay khởi đầu cho một xu hướng dài hạn.
Giá năng lượng và nguyên liệu thô đang tăng vọt liệu có phải là tín hiệu cảnh báo cho chứng khoán?
Những tài sản được lợi
Truyền thống từ xưa đến nay, vàng luôn là một tài sản hưởng lợi khi nền kinh tế bước vào giai đoạn đối mặt với lạm phát phi mã. Điều này thực tế cũng đang diễn ra trong những tháng qua. Kể từ nửa cuối năm 2021 đến nay, các nền kinh tế phát triển từ Âu sang Mỹ đã bắt đầu nhận lấy hậu quả từ các gói hỗ trợ kinh tế và nới lỏng định lượng khổng lồ bơm ra từ năm 2020 đến nay để chống chọi với suy thoái do ảnh hưởng của dịch bệnh, mà lạm phát là một trong những hậu quả trước mắt.
Hệ quả là giá vàng đã tăng vọt trong thời gian qua, nhất là khi rủi ro chiến tranh Nga – Ukraine càng thúc đẩy giới đầu tư nhảy vào vàng như một nơi trú ẩn an toàn giữa những bất ổn địa chính trị và các nước liên tục trừng phạt lẫn nhau. Tính từ đầu tháng 2 đến nay, giá vàng quốc tế đã tăng xấp xỉ 15%, lên mức cao nhất ở 2,070 USD/ oz trong phiên giao dịch ngày 08/3, cận kề mức cao kỷ lục 2,073 USD/oz đạt được vào ngày 07/8/2020.
Giá vàng thế giới đã trở lại đỉnh cao lịch sử và được kỳ vọng sẽ sớm vượt qua
Giá vàng SJC trong nước thậm chí còn tăng phi mã hơn, khi có tốc độ tăng còn vượt trội hơn so với thị trường thế giới, khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế quy đổi có thời điểm đã mở rộng lên tận 20,000,000 đồng/ lượng – mức chênh lệch không tưởng khi gần bằng 30% giá giao dịch hiện thời, trong khi chênh lệch mua bán cũng duy trì ở mức cao đến 2,000,000 đồng/ lượng.
Giá vàng SJC trong nước cũng tăng vọt trong nửa tháng qua
Cùng với vàng, giá các loại hàng hóa khác, từ năng lượng, nhiên liệu, nguyên vật liệu thô cũng có thể tiếp tục tăng giá mạnh mẽ trong một nền kinh tế lạm phát cao, khi dòng tiền sẽ chọn đầu cơ vào những loại hàng hóa này để chống lại sự mất giá của đồng tiền. Ngoài ra, những căng thẳng địa chính trị giữa các cường quốc lớn đã bắt đầu và nếu tiếp tục kéo dài cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên nguồn cung những mặt hàng này, vốn luôn là công cụ được sử dụng để trừng phạt lẫn nhau của các cường quốc.
Chỉ số giá hàng hóa CRB (Thomson Reuters/CoreCommodity CRB Index) theo dõi 19 mặt hàng từ kim loại, nông sản, ngũ cốc đến nhiên liệu, năng lượng đã tăng hơn 33% tính từ đầu năm đến nay, hiện đã leo lên mức gần 330 điểm, cao nhất kể từ tháng 7/2011. Còn nếu tính từ mức đáy hồi tháng 3/2020, chỉ số này đã tăng đến 165%, cho thấy cơn sốt giá hàng hóa đang nóng bỏng như thế nào. Tương tự, chỉ số hàng hóa Bloomberg cũng đã tăng xấp xỉ hơn 34% từ đầu năm đến nay và tăng 120% từ mức đáy tháng 3/2020.
Chỉ số giá hàng hóa CRB Index đang ở mức cao nhất trong hơn 10 năm qua
Chỉ số hàng hóa Bloomberg cũng không hề kém cạnh
Siêu chu kỳ hàng hóa, đó là cụm từ ngày càng được lặp lại thường xuyên hơn trong 1 năm trở lại đây, phản ánh các loại hàng hóa, tài nguyên thiên nhiên tăng trưởng nhu cầu mạnh tới nỗi các nhà cung cấp phải vật lộn để đáp ứng đủ, từ đó dẫn tới tình trạng giá cả hàng hóa liên tục tăng trong nhiều năm, đôi khi là kéo dài hơn một thập kỷ. Quá khứ cho thấy siêu chu kỳ hàng hóa thường diễn ra trong các cuộc cách mạng công nghiệp hoặc các giai đoạn chiến tranh kéo dài. Và nhìn lại những gì đang diễn ra hiện nay, chúng ta có lý do để lo ngại viễn cảnh không mấy tốt đẹp này.
Dù vậy, nếu nhận thấy nguy cơ lạm phát vượt ra khỏi tầm kiểm soát, các ngân hàng trung ương có thể mạnh tay thắt chặt tiền tệ sớm hơn và tăng lãi suất nhanh hơn. Trong trường hợp lạm phát được kiểm soát ổn định trở lại, những tài sản như vàng hay hàng hóa có thể giảm dần vai trò như kênh trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, khi nền kinh tế vẫn còn đang hồi phục yếu ớt như hiện nay, các Chính phủ đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”, và đó cũng là lý do mà nhiều người lo ngại về một nguy cơ lạm phát đình đốn có thể đang dần xuất hiện tại nhiều quốc gia và sớm trở thành xu hướng toàn cầu.
Tác giả bài viết: Phan Thụy - FILI
Nguồn tin: vietstock.vn