Điều gì khiến khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trong những phiên gần đây?
Lực bán của khối ngoại những phiên gần đây có "đóng góp" không nhỏ từ quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF khi họ bị rút ròng khoảng 43 triệu USD (~1.000 tỷ đồng) và nếu tính rộng ra từ đầu tháng 8 tới nay, quỹ ngoại này đã bị rút ròng khoảng 53 triệu USD (hơn 1.200 tỷ đồng).
Sau giai đoạn mua ròng khá tích cực trong tháng 7 và đầu tháng 8, khối ngoại đang có xu hướng bán ròng khá mạnh trong những phiên giao dịch gần đây. Tính riêng 5 phiên giao dịch gần nhất (10-16/8), khối ngoại đã bán ròng tổng cộng hơn 3.200 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Lực bán của khối ngoại những phiên gần đây có "đóng góp" không nhỏ từ quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF khi họ bị rút ròng khoảng 43 triệu USD (~1.000 tỷ đồng) và nếu tính rộng ra từ đầu tháng 8 tới nay, quỹ ngoại này đã bị rút ròng khoảng 53 triệu USD (hơn 1.200 tỷ đồng). Cùng với việc rút vốn ở Fubon FTSE Vietnam ETF, quỹ DCVFM VNDiamond ETF cũng bị khối ngoại bán ròng khoảng 250 tỷ đồng trong 5 phiên giao dịch gần nhất.
Theo đánh giá của ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc môi giới hội sở Công ty chứng khoán Mirae Asset, việc Fubon FTSE Vietnam ETF bán ròng thời gian qua không phải vấn đề đáng ngại bởi đây là hoạt động thường kỳ của một quỹ mở như ETF. Với mô hình quỹ mở, sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia có nhu cầu rút vốn khi họ có nhu cầu cá nhân hoặc do đánh giá triển vọng của họ có phần thận trọng hơn.
Bên cạnh đó, việc Fubon FTSE Vietnam ETF mới đây đã nộp hồ sơ xin tăng vốn thêm 180 triệu USD, qua đó giúp quy mô quỹ sẽ còn gia tăng, và khi đó sẽ vượt qua DCVFM VNDiamond ETF trở thành quỹ ETF lớn nhất thị trường Việt Nam cũng là yếu tố tích cực.
Ngoài yếu tố Fubon, ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng việc khối ngoại bán ròng thời gian gần đây còn đến từ việc một số doanh nghiệp thực hiện tăng vốn nhưng không nằm trong kế hoạch của các quỹ. Khi đó, các quỹ đang nắm giữ những cổ phiếu này sẽ buộc phải bán ra để tránh phải thực hiện quyền. Có thể thấy như trường hợp cổ đông lớn Nhật Bản của Vietnam Airlines mới đây đã chấp nhận "chịu thiệt" khi không thực hiện quyền mua cổ phiếu trong đợt phát hành tăng vốn.
Theo đánh giá của ông Tuấn, khối ngoại có thể sẽ trở lại mua ròng trong thời gian tới khi dịch bệnh được kiểm soát và định giá thị trường trở nên hấp dẫn. Ông Tuấn dự báo có thể trong quý 4 sẽ là thời điểm khối ngoại mua ròng mạnh để đón đầu cho năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng và Việt Nam trở lại guồng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Tác giả bài viết: Bảo Long - Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Nguồn tin: Cafef.vn