Đón dòng vốn từ trái phiếu sang cổ phiếu

28/03/2022 | Tin Chứng khoán

(ĐTCK) Khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra, thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua một nhịp giảm mạnh, làm thay đổi tỷ trọng danh mục cổ phiếu, trái phiếu, buộc các quỹ đầu tư chỉ số phải sớm tái cân bằng danh mục.

“Khoảng 230 tỷ USD sẽ chuyển từ trái phiếu sang cổ phiếu”

Kể từ đầu năm tới giữa tháng 3/2022, thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia Âu, Mỹ đã trải qua nhịp giảm tương đối mạnh do lo ngại xung đột Nga- Ukraine. Chỉ số Dow Jones (Mỹ) đã giảm 11,3%, về 32.633 điểm; chỉ số DAX 40 (Đức) giảm 18,9%, về 13.095 điểm… trong thời gian này.

Tại Mỹ và các nước châu Âu, loại hình quỹ đầu tư chỉ số phát triển tương đối mạnh. Các quỹ thường thực hiện đầu tư với chiến lược duy trì tỷ trọng nhất định giữa cổ phiếu và trái phiếu. Nếu giá cổ phiếu tăng cao, các quỹ này bán ra cổ phiếu và mua vào trái phiếu để cân bằng danh mục.

Ngược lại, khi giá cổ phiếu giảm, họ bán ra trái phiếu và mua vào cổ phiếu. Chính vì vậy, sau chuỗi giảm điểm mạnh trong quý đầu năm, giới đầu tư toàn cầu đang kỳ vọng hoạt động tái cân bằng danh mục sẽ sớm được thực hiện vào cuối tháng 3/2022.

Theo tính toán của JPMorgan Chase, dự kiến có khoảng 230 tỷ USD chuyển từ thị trường trái phiếu sang thị trường cổ phiếu.

Theo tính toán của JPMorgan Chase, dự kiến sẽ có 230 tỷ USD chuyển từ thị trường trái phiếu sang thị trường cổ phiếu để chuẩn bị cho kỳ báo cáo cuối quý I/2022, cũng như đáp ứng chiến lược đầu tư của các quỹ đầu tư chỉ số. Trong đó, Quỹ đầu tư hưu trí của Chính phủ Nhật Bản với quy mô tài sản 1.600 tỷ USD có thể chuyển 40 tỷ USD từ thị trường trái phiếu sang thị trường cổ phiếu.

Quỹ Norges Bank Investment Management (Na Uy) - quỹ đầu tư nhà nước lớn nhất thế giới với quy mô tài sản 1.300 tỷ USD - có thể chuyển khoảng 22 tỷ USD sang kênh cổ phiếu. Giá dầu tăng mạnh từ đầu năm đến nay đã mang lại nguồn thu lớn cho Quỹ Norges Bank Investment Management và đây có thể trở thành dòng vốn bổ sung cho danh mục cổ phiếu của Quỹ.

Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đã tăng thêm lượng cổ phiếu nắm giữ sau khi tích lũy thêm dự trữ ngoại tệ do các biện pháp can thiệp nhằm kiềm chế sức mạnh của đồng franc Thụy Sĩ kể từ năm 2008. JP Morgan ước tính, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ có thể phân bổ 15 tỷ USD vào cổ phiếu trước khi kết thúc tháng 3.

Như vậy, giai đoạn cuối tháng 3/2022, thị trường chứng khoán toàn cầu có thể đón nhận một dòng tiền khổng lồ từ các quỹ chỉ số với trọng tâm là tái cân bằng danh mục, dịch chuyển từ trái phiếu sang cổ phiếu. Đây có thể là một trong những yếu tố giúp nhiều chỉ số chứng khoán toàn cầu đi lên trong tuần qua.

Nhiều động lực cho chứng khoán trong nước tăng điểm

Giả sử dòng tiền tái cân bằng danh mục chảy mạnh vào thị trường chứng khoán toàn cầu và xung đột địa chính trị Nga – Ukraine không leo thang hơn nữa, tâm lý của giới đầu tư toàn cầu sẽ dần lấy lại trạng thái ổn định, thích nghi với tình hình mới.

Trong những phiên giao dịch gần đây, hòa cùng nhịp tăng của thị trường chứng khoán thế giới, chỉ số VN-Index đã hồi phục khá tích cực, lấy lại mốc tâm lý 1.500 điểm. Thanh khoản được cải thiện rõ rệt trong tuần qua, khi giá trị khớp lệnh bình quân mỗi phiên từ 25.000 tỷ đồng trở lên, so với giai đoạn trước chỉ loanh quanh ở vùng 16.000 - 17.000 tỷ đồng, cho thấy nhà đầu tư đã mạnh dạn giải ngân hơn.

Ở thời điểm hiện tại, những chỉ báo thị trường đang cho thấy dấu hiệu có thể tiếp tục xu hướng tăng sau một giai đoạn dài đi ngang tích luỹ trong biên độ 1.450 - 1.500 điểm. Nỗi lo của nhà đầu tư về việc chính sách tiền tệ sẽ được thắt chặt (vốn được xem là “khắc tinh” của thị trường chứng khoán) theo xu hướng của ngân hàng trung ương các nước trước áp lực lạm phát tăng mạnh phần nào đã được giải tỏa khi Ngân hàng Nhà nước công bố sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Đón dòng vốn từ trái phiếu sang cổ phiếu ảnh 1

Chỉ số VN-Index có xu hướng bứt phá khỏi kênh tích luỹ.

Trong khi đó, về nội tại của doanh nghiệp, thông tin từ nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp cho thấy ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột Nga - Ukraine không đáng kể, thậm chí có những doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ cuộc chiến này như xuất khẩu gạo, vận tải biển, dầu khí… khiến nhà đầu tư tiếp tục tin vào triển vọng tăng của thị trường chứng khoán trong ngắn và trung hạn.

Mối quan tâm của nhà đầu tư hiện đang hướng về thông tin từ các đại hội cổ đông, nơi doanh nghiệp trình bày kết quả kinh doanh của năm cũ và kế hoạch cho năm tài chính mới cũng như cả giai đoạn mới.

Thông tin công bố trước thềm đại hội của nhiều doanh nghiệp đã hé lộ kịch bản tái cấu trúc sau giai đoạn dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch, hay khả năng ghi nhận lợi nhuận đột biến trong năm nay.

Đơn cử, tại Tổng công ty IDICO (mã IDC), sau đại hội cổ đông bất thường vào tháng 10/2021, Công ty thông qua chuyển đổi phương thức ghi nhận doanh thu phát triển khu công nghiệp từ 50 năm sang ghi nhận một lần.

Trong quý IV/2021, Công ty lần đầu ghi nhận doanh thu một lần với dự án Khu công nghiệp Mỹ Xuân A. Với hơn 6.000 tỷ đồng doanh thu chưa ghi nhận dài hạn, giới đầu tư đang kỳ vọng trong đại hội sắp tới, Công ty sẽ công bố thêm những dự án khu công nghiệp sẽ ghi nhận doanh thu một lần.

Hay Tập đoàn Công nghiệp Việt Nam (mã GVR) dự kiến sẽ dành khoảng 100.000 ha trong tổng diện tích 402.000 ha cao su đang sở hữu để phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Đây là quỹ đất tương đối lớn so với các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đang niêm yết. Giới đầu tư đang chờ đợi những thông tin cụ thể hơn về kế hoạch khai thác quỹ đất cũng như dự kiến doanh thu, lợi nhuận từ mảng bất động sản công nghiệp từ đại hội cổ đông thường niên 2022 của GVR.

Tương tự, đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật (mã IJC) – doanh nghiệp đang sở hữu 54 ha đất sạch phát triển từ năm 2013 tới nay với giá vốn tương đối rẻ - đang được giới đầu tư chờ đón…

Bên cạnh đó, động lực hỗ trợ thị trường còn đến từ các động thái đẩy mạnh gói kích thích nền kinh tế quy mô 350.000 tỷ đồng, khi nhiều dự án cơ sở hạ tầng được Chính phủ đẩy mạnh đầu tư, nhằm mục đích giúp nền kinh tế hồi phục sau đại dịch.

Khoảng một tuần gần đây, nhóm cổ phiếu kỳ vọng hưởng lợi từ xung đột Nga - Ukraine bắt đầu có dấu hiệu bị chốt lời trên diện rộng sau chuỗi dài tăng nóng.

Ngược lại, nhóm cổ phiếu khác như bất động sản, xây dựng lại có dấu hiệu hút dòng tiền trên diện rộng và bật tăng trở lại, cho thấy dấu hiệu dòng tiền đã và đang dịch chuyển từ nhóm hưởng lợi từ xung đột sang nhóm cổ phiếu có câu chuyện kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2022, mà chưa tăng mạnh, hoặc chịu áp lực rung lắc, điều chỉnh trước đó.

Nhìn chung, nếu như thế giới không có một bất ngờ nào quá lớn đủ để thay đổi cục diện, thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ hồi phục. Đây là cơ sở cho thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trở lại sau một giai đoạn dài tích luỹ trong biên độ hẹp.


Tác giả bài viết: Vũ Duy Bắc

Nguồn tin: www.tinnhanhchungkhoan.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây