Liệu giá cổ phiếu hàng hóa đã đạt đỉnh?
Những thông tin trái chiều gần đây khiến nhà đầu tư lưỡng lự khi giao dịch cổ phiếu hàng hóa.
Nhà đầu tư có thể đọc thấy những nhận định ngược nhau qua các tiêu đề báo chí, chẳng hạn như “Cổ phiếu dầu khí, phân bón đồng loạt tăng trần” - “Cẩn trọng khi đầu tư vào cổ phiếu hàng hóa”, rồi “Trong khi Berkshire Hathaway gom cổ phiếu dầu khí, Carl Icahn lại chốt lời hàng tỷ USD”...
Dưới góc nhìn của một số chuyên gia thì “Cổ phiếu dầu khí hiện rủi ro chứ không phải cơ hội để mua, khối ngoại không thích nhóm này”. Nhưng cũng có người đặt câu hỏi: “Berkshire Hathaway rót 3 tỷ USD vào cổ phiếu dầu khí, chẳng lẽ cụ Warren Buffett đu đỉnh?”.
Điểm qua thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây, giá cổ phiếu dầu khí và một số loại hàng hóa tăng mạnh, trong khi giá các cổ phiếu khác giảm hoặc dậm chân tại chỗ theo đà đi ngang của VN-Index. Điều mà nhà đầu tư phân vân là giá cổ phiếu hàng hóa đang trong giai đoạn tăng giá hay phân phối?
Bài viết sau sẽ đề cập đến các giai đoạn của chu kỳ cổ phiếu, cách nhận biết và ứng xử, biết đâu sẽ giúp ích cho nhà đầu tư.
Các giai đoạn trong chu kỳ cổ phiếu
Chu kỳ cổ phiếu là sự phát triển điển hình của giá cổ phiếu từ xu hướng tăng ban đầu đến giá cao, cho đến xu hướng giảm và giá thấp. Theo Richard Wyckoff, nhà giao dịch nổi tiếng và là người tiên phong trong phân tích kỹ thuật (PTKT), chu kỳ cổ phiếu diễn ra qua 4 giai đoạn: Tích lũy - Tăng giá - Phân bổ - Giảm giá.
Giai đoạn 1 - Tích lũy
Giá cổ phiếu không có xu hướng tăng hoặc giảm rõ ràng, chuyển động tăng/giảm không kéo dài. Giai đoạn này có thể tồn tại vài tháng đến vài năm.
Giai đoạn 2 - Tăng giá
Giá chứng khoán có xu hướng tăng rõ ràng. Giá bắt đầu thoát khỏi vùng tích lũy và tăng bởi lực cầu từ các nhà tổ chức lớn khi lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng (tăng dần qua các quý hoặc năm).
Đặc điểm kỹ thuật của giai đoạn này là: Đỉnh cao hơn, đáy cao hơn. Đường trung bình động ngắn hạn nằm trên đường trung bình động dài hạn. Số ngày và tuần tăng giá nhiều hơn số ngày và tuần giảm giá. Khối lượng tăng vọt vào những ngày hoặc tuần tăng giá, thấp ở những ngày hoặc tuần giảm giá.
Giai đoạn 3 - Phân phối
Đặc trưng của giai đoạn này là sự biến động giá giảm. Cổ phiếu mặc dù vẫn thiết lập đỉnh cao hơn, nhưng biến động giá giảm lớn hơn với khối lượng tăng lên ở các đợt điều chỉnh này. Giai đoạn này có những ngày giảm điểm mạnh, thường là mạnh nhất kể từ giai đoạn 2, với khối lượng lớn. Trên đồ thị, cổ phiếu có tuần giảm mạnh nhất từ khi bắt đầu xu hướng tăng.
Giai đoạn 4 - Giảm giá
Giá chứng khoán gần chạm hoặc thiết lập đáy 52 tuần. Giá nằm dưới đường MA200 ngày, đường MA200 có xu hướng đi xuống rõ ràng. Mẫu hình giá dạng bậc thang đi xuống, đáy sau thấp hơn đáy trước, đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước.
Điều gì đóng vai trò kích hoạt cho mỗi giai đoạn?
Theo sách Giao dịch như một phù thủy chứng khoán của Mark Minervini, từ góc nhìn phân tích cơ bản, mọi nguyên nhân đều bắt nguồn từ “lợi nhuận”.
Ban đầu, cổ phiếu bị thị trường lãng quên khi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ảm đạm và không có đột biến (giai đoạn tích lũy). Sau đó, cổ phiếu bất ngờ tăng giá mạnh khi lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng nhanh (giai đoạn tăng giá). Sự giảm tốc tăng trưởng lợi nhuận khiến các nhà đầu tư thất vọng, dẫn tới cổ phiếu đạt đỉnh và giảm giá (giai đoạn phân phối). Sự thay đổi các yếu tố cơ bản đã khiến nhà đầu tư tổ chức lớn tháo chạy (giai đoạn giảm giá).
Nhà đầu tư nên làm gì trong từng giai đoạn?
Nhà đầu tư không nên mua trong giai đoạn 1, ngay cả khi yếu tố cơ bản của doanh nghiệp trông có vẻ tốt, để tránh lãng phí thời gian không cần thiết. Kiên nhẫn chờ đợi và chỉ mua ở giai đoạn 2, nghĩa là mua những chứng khoán sắp có khả năng tăng giá mạnh.
Trong giai đoạn 3, dòng tiền thông minh đã mua ở giai đoạn 2 bắt đầu nghĩ đến việc chốt lời, họ sẽ bán ra khi giá vẫn còn tăng mạnh (những đợt tăng giá cuối cùng). Lưu ý là những người chơi lớn không để giá giảm đến khi hoàn thành việc dỡ bỏ các vị thế. Trên thực tế, họ thậm chí có thể đẩy giá lên cao hơn một chút so với biên trên của thị trường để thu hút nhiều người mua hơn để bán. Đây là bẫy tăng giá mà các nhà giao dịch tổ chức tạo ra, nhà đầu tư cá nhân cần tránh bị cuốn theo những cơn sóng tăng giá này.
Thời gian qua, xung đột Nga-Ukraine khiến giá khí dầu lên cao, kéo giá nhiều loại hàng hóa và dịch vụ (như thép, phân bón, vận tải biển và hàng không…) tăng theo. Nhiều doanh nghiệp hưởng lợi từ cơn sóng tăng giá hàng hóa này, được dự báo lợi nhuận tăng lên. Các cơn sóng chu kỳ ngành mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, bữa tiệc nào cũng đến lúc tàn. Cổ phiếu không thể giữ đà tăng mãi mãi. Khi lợi nhuận vẫn tăng nhưng tốc độ tăng trưởng giảm dần hoặc có suy đoán yếu đi, đó là lúc cổ phiếu có thể ở giai đoạn phân phối.
Nhà đầu tư cần lưu ý BCTC của doanh nghiệp, đồng thời áp dụng một số quy tắc dưới đây để hạn chế thua lỗ và giữ được lợi nhuận: phân tích cơ bản xem công ty còn sinh lợi nhuận không; phân tích kỹ thuật xem xu hướng cổ phiếu còn tăng hay chuyển sang xu hướng giảm; sẵn sàng cắt lỗ, bán ra khi đạt mục tiêu chốt lời.
Tác giả bài viết: Gia Nghi - FILI
Nguồn tin: vietstock.vn