Nghị viện châu Âu thông qua EVFTA: Rộng cửa xuất khẩu cho hàng Việt

13/02/2020 | Tin Chứng khoán
Tối 12/2 (theo giờ Việt Nam), Nghị viện châu Âu đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVFTA) ...
Nghị viện châu Âu thông qua EVFTA: Rộng cửa xuất khẩu cho hàng Việt


Tối 12/2 (theo giờ Việt Nam), Nghị viện châu Âu đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVFTA) với 401 phiếu thuận (tỷ lệ 63,33%), 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng. Hiệp định Bảo hộ đầu tư cũng đã được bỏ phiếu thông qua.

Tại cuộc họp báo về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, việc thông qua hai hiệp định này đồng nghĩa mối quan hệ thương mại Việt Nam – EU có những nền tảng mới và hết sức ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Châu Âu là thị trường tiềm năng rất lớn với quy mô tới 18.000 tỷ USD cho các ngành hàng của Việt Nam.

Hiện mới có hơn 40% sản phẩm ngành hàng của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan GSP. Vì vậy, Hiệp định EVFTA sẽ là nền tảng giúp các DN Việt Nam có thêm giá trị gia tăng khi xuất khẩu vào thị trường này.

Về mặt thuận lợi, theo các cam kết, trong 7 năm đầu tiên của hiệp định có tới 99% các dòng thuế được cắt giảm về 0%. Cùng đó, các DN Việt sẽ được tiếp cận công nghệ nguồn, công nghệ phụ trợ và tham gia chuỗi cung ứng để đưa vào EU. Nhưng cùng với việc phải vượt qua hàng rào tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm, các DN phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, chất lượng cao hơn nữa.

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về việc Bộ Công Thương sẽ làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) tham gia EVFTA trong bối cảnh thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đây là thị trường tiêu chuẩn xuất khẩu cao hơn rất nhiều Trung Quốc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, dịch nCov-19 xuất hiện, đã cho thấy những điểm yếu trong nhiều mặt hàng của Việt Nam khi phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là hàng nông, thủy sản.

Theo ông Trần Tuấn Anh, hiệp định EVFTA được dự báo sẽ là một cú huých lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn. EVFTA sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường tiềm năng với quy mô GDP lên tới 18.000 tỷ USD.

 Theo ông Trần Tuấn Anh, các ngành dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều từ Hiệp định này đều là những ngành Việt Nam vốn có lợi thế cạnh tranh cao như giày, dép, mũ, hàng dệt may và nông thủy sản. Tuy nhiên, dù là các ngành được dự báo sẽ hưởng lợi tối đa nhưng cũng không hẳn là không phải đối mặt với thách thức. EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó (ví dụ không được dùng hải sản được đánh bắt bất hợp pháp hay không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép).

Ngoài ra, các quy định về quy tắc xuất xứ cũng sẽ là thách thức đối với ngành dệt may và một số ngành chế tạo nếu muốn tận dụng được các ưu đãi về thuế quan do nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ các thị trường khu vực như Trung Quốc hoặc ASEAN...

Gần 100% kim ngạch xuất khẩu sang EU được xóa bỏ thuế nhập khẩu

Theo Bộ Công Thương, đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Nguồn tin: CafeF

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây