Nhà đầu tư nhỏ đau đầu giải bài toán phân bổ rủi ro danh mục nếu HoSE quyết nâng lô lên 1.000
Dù rằng nâng lô từ 10 lên 100 hay có thể lên 1.000 đều là với mục tiêu bảo vệ hệ thống giao dịch nhưng, với những nhà đầu tư nhỏ với vốn liếng chỉ vài chục, vài trăm triệu đồng thì việc nâng lô đã khiến họ gặp ngay bế tắc trong việc phân bổ rủi ro cho danh mục.
Việc thị trường chứng khoán quá nóng thời gian qua đã gây áp lực không nhỏ lên hệ thống đã "quá già" của HoSE. Trong khi chờ đợi một hệ thống mới chưa biết bao giờ mới triển khai hoặc khi triển khai được cũng không biết thị trường có còn quá cần như bây giờ không thì HoSE đã ra hàng loạt giải pháp. Giải pháp mới đây đã áp dụng là nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 nhưng chỉ mới chưa đầy vài tháng, giải pháp này đã chứng minh một sự thật: nghẽn lệnh vẫn y nguyên!
Trước tình trạng nghẽn lệnh vẫn xảy ra thường xuyên sau khi nâng lô giao dịch từ 10 lên 100, ông Lê Hải Trà, tân Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã trả lời trên Thời báo Tài chính Việt Nam và giải pháp đưa ra là: "HoSE đang tham khảo ý kiến về việc nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu trên HoSE từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu để giảm tải cho hệ thống" và "Theo tính toán của HOSE, việc tăng lô lên 1.000 cổ phiếu có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch. Việc tăng lên lô 1.000 có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp".
Chưa vội bàn đến chuyện tác dụng đối với thị trường chứng khoán sẽ ra sao nếu việc nâng lô giao dịch lên 1.000 được áp dụng nhưng, nhà đầu tư nhỏ lẻ đã ngay lập tức gặp khó. Và cái khó nhất đối với họ là gần như họ sẽ bị loại bỏ khỏi những cổ phiếu danh tiếng hoặc phải gánh rất nhiều rủi ro khi đầu tư do rất khó khăn để giải bài toán phân bổ rủi ro danh mục.
Muốn "không cho hết trứng vào một giỏ" cũng khó!
Một nguyên tắc "nằm lòng" mà nhà đầu tư nào cũng quen tai đó là khi đầu tư không bao giờ nên "cho hết trứng vào một giỏ", tức, khi đầu tư thì họ nên phân bổ tiền ra ít nhất dăm ba mã cổ phiếu. Thế nhưng, giả sử một nhà đầu tư nhỏ bỏ 100 triệu đồng đầu tư chứng khoán, số tiền của họ còn không đủ để mua một lô các cổ phiếu "quốc dân" thuộc nhóm VN30 như VJC, MWG, VIC, VHM, VNM khi các cổ phiếu này đều đang có thị giá trên 100 nghìn đồng/cổ phiếu.
Thống kê của chúng tôi cho thấy, nếu nhà đầu tư có số vốn 100 triệu đồng thì ít nhất 12 cổ phiếu sẽ bị loại trừ khỏi cơ hội đầu tư của họ gồm VCF -Vinacafe' Biên Hòa, RAL-Bóng đèn phích nước Rạng Đông, GAB-Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC, SAB-Sabeco, VJC-Vietjet, MWG-Thế giới di động, SCS-SCSC, VIC-Vingroup, VNM-Vinamilk, DGW-Digiworld, VHM-Vinhomes, DHG-Dược Hậu Giang.
Như vậy là, nếu việc tăng lô lên 1.000 được áp dụng trên HoSE, rất nhiều thương hiệu lớn, quen thuộc với người dân lại không thể nằm trong danh mục đầu tư của những người tiêu dùng/nhà đầu tư đặt niềm tin vào họ!
Còn nếu như nhà đầu tư có vốn liếng ít hơn, kiểu như mỗi tháng tích cóp được chục, vài chục triệu đồng và muốn đổ vào chứng khoán thì danh sách bị loại bỏ khỏi cơ hội đầu tư còn nhiều hơn nữa!
Muốn bình quân giá thấp lại còn khó hơn
Hay một vấn đề lớn khác mà nhà đầu tư nhỏ lẻ gặp phải đó là: Với số vốn ít ỏi, muốn đầu tư chứng khoán và phải "đi lệnh" mỗi lô gần hết tiền thì họ sẽ không thể cứu danh mục nếu không may cổ phiếu giảm sâu.
Thông thường, khi cổ phiếu giảm nhưng với nhận định dài hạn vẫn tiềm năng thì những nhà đầu tư có vốn liếng vừa lớn có thể dùng giải pháp bình quân giá xuống để giảm rủi ro. Nhưng, với nhà đầu tư ít vốn thì họ không còn tiền để bình quân giá, đành phải "ôm" cổ phiếu ở mức giá cao và chờ đợi mỏi mòn để chờ cổ phiếu "về bờ".
Mua gom khi cổ phiếu tăng giá cũng trở thành...dĩ vãng
Cũng tương tự như việc mua bình quân giá thấp khó được thực hiện, việc "mua khi cổ phiếu đang tăng giá" cũng gần như không làm được đối với nhà đầu tư nhỏ!
Tác giả bài viết: Phương Chi - Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Nguồn tin: Cafef.vn