Nợ xấu tại ngân hàng gia tăng, nguồn lực đối ứng sụt giảm

14/08/2020 | Tin Chứng khoán
Thống kê của BizLIVE từ 19 ngân hàng cho thấy, tính đến ngày 30/6/2020, tổng nợ xấu đã tăng tới 20,6% so với đầu năm...

Bên cạnh những con số về lợi nhuận , tăng trưởng tín dụng, tổng tài sản,… thì chất lượng tín dụng cùng nguồn lực đối ứng cũng là một trong những chỉ số quan trọng của các ngân hàng , đặc biệt trong bối cảnh hệ thống đang bị ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19.

NỢ XẤU ĐANG... XẤU THÊM

Thống kê của BizLIVE từ số liệu BCTC quý II/2020 của 19 ngân hàng cho thấy, tính đến ngày 30/6/2020, tổng nợ xấu của 19 ngân hàng ở mức hơn 94,8 nghìn tỷ đồng, tăng tới 20,6% so với đầu năm.

Trong đó, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn tính đến cuối tháng 6 cũng tăng 11,9% so với đầu năm, lên mức gần 51,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,2% tổng nợ xấu.

Trong đó, KienLongBank là ngân hàng có nợ xấu tăng nhanh nhất, tăng tới 6,6 lần so với đầu năm, lên 2.249 tỷ đồng. Nợ xấu chủ yếu gia tăng ở nợ nhóm 5, với mức tăng tới gần 900%, lên 2.145 tỷ đồng.

Theo thông tin từ phía ngân hàng, trong số nợ có khả năng mất vốn này có 1.895 tỷ đồng dư nợ các khoản vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác được phân loại nợ nhóm 5 theo Quyết định số 2595/QĐ-NHNN ngày 18/12/2019 và các công văn khác có liên quan đến NHNN.

Tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng, do đó, bị kéo lên tới 6,59%, so với mức chỉ 1% hồi đầu năm.

Nợ xấu tại ngân hàng gia tăng, nguồn lực đối ứng sụt giảm - Ảnh 1.

Tại VietinBank, theo con số báo cáo, tổng nợ xấu tính đến cuối tháng 6/2020 cũng tăng tới 47,7%, lên 15.967 tỷ đồng. Đây cũng là ngân hàng có nợ xấu tăng nhiều nhất, về con số tuyệt đối (5.155 tỷ đồng).

Một loạt các ngân hàng khác cũng có nợ xấu tăng mạnh trong kỳ bao gồm SHB (39,4%), ACB (32,4%), VIB (28,6%)…

Nợ xấu tăng nhanh trong khi tốc độ mở rộng của tổng dư nợ bị chậm lại do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng tăng khá mạnh trong nửa đầu năm.

Tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng của nhóm theo đó đã tăng từ 1,57% hồi đầu năm lên 1,99% kết thúc tháng 6/2020. Trong đó, có tới 15/19 thành viên ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng trong thời gian qua.

KienLongBank, VPBank và SHB đang là những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất nhóm khảo sát, ở mức lần lượt 6,59%, 3,19% và 2,45%.

Cũng cần lưu ý rằng, đây mới chỉ là nợ xấu nội bảng. Con số nợ xấu thực tế có thể lớn hơn nữa, nhất là với những thành viên chưa tất toán xong phần bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Mặt khác, theo Thông tư 01 mà NHNN ban hành hồi đầu năm, có những khoản nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, được giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khác hàng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Điều này cũng "vô tình" khiến cho một phần nợ xấu không được thể hiện trên báo cáo tài chính của các nhà băng một cách cụ thể hơn.

Số liệu mới nhất của NHNN cho biết, đến ngày 13/7/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 210 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, cho tới thời điểm này, diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề dẫn đến nguy cơ nợ xấu có thể tiếp tục tăng lên.

NGUỒN LỰC ĐỐI ỨNG VỚI NỢ XẤU SỤT GIẢM

Trong khi nợ xấu gia tăng, số liệu trong BCTC của các ngân hàng cho thấy nguồn lực đối ứng với nợ xấu lại có dấu hiệu sụt giảm khá mạnh.

Khảo sát của BizLIVE cho thấy, có tới 10/19 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLC) sụt giảm trong 6 tháng qua, trong đó có ngân hàng giảm mạnh tới 65,2 điểm % như tại KienLongBank, giảm 38,8 điểm % tại VietinBank, 34,1 điểm % tại ACB…

Bên cạnh đó, có tới 3 ngân hàng có tỷ lệ LLC ở dưới mức 50%, bao gồm VPBank, SeABank và KienLongBank.

Nợ xấu tại ngân hàng gia tăng, nguồn lực đối ứng sụt giảm - Ảnh 2.

Ở hướng ngược lại, một số ngân hàng có LLC tăng tốt và ở hiện ở mức trên 100%. Trong đó, LLC của Vietcombank lên tới 254%, tiếp tục tăng so với mức 179% hồi đầu năm, dẫn đầu nhóm khảo sát, và nhiều khả năng là đứng đầu hệ thống.

Một số ngân hàng khác cũng có LLC cao bao gồm MBB (từ 110% lên 121%), TPBank (đạt 113%, so với mức 98% đầu năm), Techcombank (tăng từ 95% lên 109%).

Một tỷ lệ LLC cao cho thấy độ chủ động nguồn lực đối ứng nợ xấu của ngân hàng đang ở mức tốt và ngược lại.

Bên cạnh đó, LLC cũng phản ánh nhất định khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng thương mại, hoặc mục đích riêng nào đó.

Theo quy định, khi trích lập dự phòng, ngân hàng được khấu trừ giá trị tài sản đảm bảo của các khoản nợ. Có trường hợp khấu trừ tối đa để giảm bớt áp lực trích lập, nhưng có trường hợp lại gần như đánh tụt giá trị tài sản đảm bảo về gần 0 để gia tăng trích lập, mà phần này lẽ ra thể hiện trên lợi nhuận và mức độ đóng thuế cho ngân sách nhà nước.

Và cũng liên quan đến Thông tư 01 nói trên, tùy khẩu vị và lựa chọn của mỗi ngân hàng, khi cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm họ có thể thực hiện trích lập dự phòng ứng với nhóm nợ lẽ ra phải chuyển hoặc có thể chưa thực hiện.

Nguồn tin: Cafef.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây