Quá phụ thuộc vào Trung Quốc, chuỗi cung ứng toàn cầu trước nguy cơ đổ vỡ vì virus corona
Để hình dung tác động của virus corona chủng mới (Covid-19) lên hoạt động kinh doanh trên toàn cầu, hãy nhìn vào Apple. Ông lớn công nghệ Mỹ phụ thuộc vào các linh kiện và dây chuyền lắp ráp ở Trung Quốc đến nỗi hãng hàng không United Airlines phục vụ 50 lãnh đạo của Apple di chuyển qua lại giữa California và Trung Quốc mỗi ngày.
Nhưng ở thời điểm hiện tại con số là 0. United và nhiều hãng hàng không khác đã tạm ngừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. Do thiếu hụt nhân công, dù kỳ nghỉ Tết nguyên đán đã kết thúc, dây chuyền sản xuất của Foxconn sẽ không thể trở lại hoạt động hết công suất. Giới phân tích thừa nhận rằng virus corona có thể khiến số iPhone xuất xưởng trong quý này giảm 5-10%, và kế hoạch tăng cường sản xuất AirPods cũng bị ảnh hưởng.
Khi mà Covid-19 vẫn chưa ngừng lây lan, tác động lên hoạt động kinh doanh đang dần trở nên rõ nét hơn. Lượng khách du lịch đến và đi từ Trung Quốc sụt giảm mạnh. Khoảng 400.000 khách Trung Quốc được dự báo sẽ hủy bỏ các chuyến đi tới Nhật Bản tính đến cuối tháng 3. Triển lãm hàng không Singapore vẫn diễn ra như dự tính nhưng 70 công ty – trong đó có ông trùm Lockheed Martin – không tham gia. Hội thảo Mobile World Congress bị hủy bỏ sau khi một loạt công ty từ Vodafone và BT đến Facebook và Amazon rút lui.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy virus mới sẽ hủy hoại chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra những thiệt hại nặng nề cho kinh tế thế giới.
Hầu hết các công ty đa quốc gia đều không hề chuẩn bị trước cho 1 sự kiện như vậy. Đây không phải là lần đầu tiên họ phải chịu những cú sốc từ chuỗi cung ứng châu Á. Thảm họa động đất sóng thần ở Nhật Bản năm 2011 và lũ lụt nghiêm trọng ở Thái Lan cùng năm đó khiến một loạt công ty lớn bị gián đoạn hoạt động sản xuất. Gần đây hơn là cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến rủi ro từ chuỗi cung ứng bộc lộ rõ hơn. Nhưng không ai nghĩ về 1 sự kiện như dịch bệnh.
Trong khi đó nhà đầu tư đang "trừng phạt" các doanh nghiệp vì nỗi thất bại này. Cổ phiếu của các công ty Mỹ phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc đã diễn biến thấp hơn 5% so với mức trung bình của chỉ số S&P 500 kể từ đầu tháng 1 đến nay, khi những tin tức đầu tiên về dịch bệnh xuất hiện.
Có 3 lý do để nghĩ rằng những tháng sắp tới sẽ không vui vẻ chút nào với nhiều doanh nghiệp. Đầu tiên, các tập đoàn đa quốc gia đã tự đẩy mình vào thế khó và đặc biệt nhạy cảm với các rủi ro từ chuỗi cung ứng khi áp dụng các chiến lược được thiết kế để cắt giảm chi phí. Ví dụ, nhiều công ty chỉ tích trữ lượng hàng tồn kho đủ dùng trong vài tuần, tự tin rằng mình luôn luôn có thể bổ sung ngay lập tức. Nhưng rõ ràng đây là 1 nhận định sai lầm, nhìn vào những gì đang diễn ra ở Trung Quốc.
Lý do thứ hai xuất phát từ sự thực là các ông lớn đang phụ thuộc vào các nhà máy Trung Quốc nhiều hơn đáng kể so với thời dịch SARS năm 2003. Trung Quốc hiện đang đóng góp 16% GDP toàn cầu, so với mức 4% khi đó. Tỷ trọng trong kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may toàn cầu là 40%, đối với đồ nội thất là 26%. Trung Quốc cũng là khách hàng lớn tiêu thụ nhiều mặt hàng, ví dụ như các kim loại cần thiết để sản xuất. Năm 2003, Trung Quốc chỉ chiếm 7% tổng kim ngạch nhập khẩu khoáng sản toàn cầu, ngày nay con số là gần 20%.
Koray Köse, chuyên gia của công ty nghiên cứu Gartner, chỉ ra rằng vấn đề không chỉ nằm ở chỗ tỷ trọng của Trung Quốc tăng lên. Kể từ 2003, các nhà máy đã mở rộng, không chỉ tập trung ở các tỉnh ven biển mà đã tràn vào cả các tỉnh nghèo hơn nằm sâu trong nội địa như tâm dịch Vũ Hán. Thêm vào đó, các nhà cung ứng ở nội địa không chỉ đơn giản là lắp ráp sản phẩm, họ đã tiến thêm nhiều bậc trên chuỗi giá trị.
Thứ ba, những vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19 và những nơi bị phong tỏa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với một số ngành. Trong đó điện tử là ngành rủi ro nhất, bởi vì lượng hàng tồn kho mỏng và thiếu nguồn cung ứng thay thế.
Tỉnh Hồ Bắc, nơi có Vũ Hán là thủ phủ, là trái tim của "thung lũng quang học" của Trung Quốc với rất nhiều công ty sản xuất những linh kiện quan trọng trong mạng lưới viễn thông. 25% số cáp quang và các thiết bị trên toàn thế giới được làm ra ở đó. Các chuyên gia phân tích lo ngại rằng dịch bệnh ở Hồ Bắc có thể khiến sản lượng smartphone toàn cầu giảm 10% trong năm nay.
Ngành ô tô cũng bị ảnh hưởng nặng. Hyundai đã đóng cửa các nhà máy ở Hàn Quốc vì thiếu linh kiện được nhập về từ Trung Quốc đại lục. Nissan tạm thời đóng cửa 1 nhà máy ở Nhật Bản, và Fiat-Chrysler cảnh báo có thể sẽ sớm đóng cửa một trong những nhà máy ở châu Âu.
Nỗi sợ virus đang ảnh hưởng đến giá dầu thế giới. Những nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc lên kế hoạch cắt giảm sản lượng vì dự báo nhu cầu trong nước sẽ giảm mạnh – điều càng làm cho triển vọng vốn u ám của thị trường khí đốt tự nhiên trở nên ảm đạm hơn. Các công ty nhập khẩu đồng của Trung Quốc đã yêu cầu các công ty ở Chile và Nigeria hoãn hoặc hủy giao hàng. Mông Cổ cũng đã ngừng vận chuyển than đá sang Trung Quốc.
Tác động lâu dài
Một số công ty Trung Quốc đang cảm thấy hoang mang. Hàng chục công ty đã nhận chứng nhận "điều kiện bất khả kháng" – thứ mà họ hi vọng sẽ cho phép hủy bỏ hợp đồng mà không phải bồi thường. Nhưng điều đó không dễ dàng. Tập đoàn quốc doanh CNOOC gần đây đã sử dụng thủ thuật này để từ chối nhập hàng, nhưng các ông lớn châu Âu như Total và Royal Dutch Shell đã phản đối.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Các công ty lớn rất muốn quay trở lại sản xuất, nhưng chưa rõ bao giờ thì các công nhân được phép trở lại. Kể cả khi điều đó xảy ra, vận chuyển hàng hóa ra vào Trung Quốc vẫn rất khó khăn. Alan Cheung của công ty vận chuyển Kerry Logistics cho biết các tài xế vẫn đang bị chặn lại trừ khi họ giao thực phẩm hoặc các nhu yếu phẩm. Thời gian trì trệ càng lâu thì hàng hóa càng chất đống, có thể dẫn đến những nút thắt cổ chai và khiến cước vận chuyển tăng vọt khi mọi thứ trở lại bình thường.
Về dài hạn, dịch bệnh có thể làm suy yếu sự yêu thích của các tập đoàn đa quốc gia đối với Trung Quốc. Các công ty lớn lâu nay vẫn cho rằng chuỗi cung ứng ở đại lục là rất đáng tin cậy và dễ kiểm soát. Khảo sát trên tất cả các ngành cho thấy chỉ con số rất nhỏ các doanh nghiệp tính toán kỹ lưỡng về rủi ro chuỗi cung ứng. Từ nhiều năm nay các ông chủ đã giao trách nhiệm tìm nguồn cung ứng cho những quản lý tầm trung, và còn yêu cầu họ phải cắt giảm chi phí tối đa.
Sóng thần và lũ lụt đã xảy ra và các doanh nghiệp chỉ suy nghĩ đơn giản là họ có thể đối phó. Nhưng dịch bệnh sẽ là câu hỏi hóc búa hơn nhiều lần đang nằm trên bàn làm việc của các vị CEO.
Nguồn tin: CafeF