Thị trường chứng khoán: Bao giờ cung hàng tăng mạnh?
Theo Điều 133, Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, các doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM bao gồm: công ty đại chúng không niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán; công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc hoặc hủy bỏ niêm yết tự nguyện nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng; doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc đối tượng phải đăng ký giao dịch theo quy định pháp luật.
Nghị định 155 có hiệu lực từ 1/1/2021. Nếu thực thi nghiêm túc quy định này, sàn UPCoM có thể nhộn nhịp hơn rất nhiều, với khả năng có thêm hàng trăm doanh nghiệp đăng ký giao dịch trong năm 2021. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng doanh nghiệp mới xuất hiện trên UPCoM khá nhỏ giọt.
Đầu năm nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo về việc đáp ứng hay không đáp ứng điều kiện công ty đại chúng theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 32, Luật Chứng khoán trước ngày 20/2/2021.
Cơ quan này cũng yêu cầu, các công ty vẫn đáp ứng điều kiện công ty đại chúng phải thực hiện đăng ký giao dịch cổ phiếu theo quy định. Nếu công ty không còn đáp ứng điều kiện công ty đại chúng thì phải nộp hồ sơ hủy đăng ký công ty đại chúng theo quy định tại Điều 39, Luật Chứng khoán và Khoản 6, Điều 310, Nghị định 155.
Hiện nay, có bao nhiêu doanh nghiệp nợ nghĩa vụ trên với cổ đông và vi phạm pháp luật chứng khoán?
Với câu hỏi này, nhiều nhà đầu tư đang mong ngóng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố danh sách các doanh nghiệp vi phạm, tương tự Bộ Tài chính đã công bố danh sách các doanh nghiệp cổ phần hóa chây ì thực hiện nghĩa vụ đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu trên sàn. Khi công khai danh tính các doanh nghiệp như vậy, cổ đông có thể cùng giám sát và đốc thúc doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ của mình.
Với những doanh nghiệp đang vi phạm thì sao? Dữ liệu tổng hợp sơ bộ cho thấy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt khoảng 50 doanh nghiệp do vi phạm nghĩa vụ đăng ký giao dịch.
Đơn cử, Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (Tedi) vì không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán nên đã bị xử phạt 450 triệu đồng.
Nhiều doanh nghiệp chây ì lên sàn đang là một thách thức lớn với các nhà thi hành luật pháp chứng khoán.
Tổng công ty này thực hiện cổ phần hóa từ năm 2014, thoái hết vốn nhà nước vào năm 2016, vốn điều lệ gần 125 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp bị phạt, chấp nhận nộp phạt, nhưng vẫn chây ì nghĩa vụ, hiện không có chế tài để xử lý.
Còn hàng trăm doanh nghiệp vi phạm khác, các nhà đầu tư đặt câu hỏi, vì sao vẫn chưa bị xử phạt và có chế tài nào để họ nghiêm túc thực thi quy định trên?
Bộ Tài chính, cơ quan chủ quản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng gặp khó khăn trong đốc thúc doanh nghiệp thực thi quy định.
Số liệu do cơ quan này công bố cho thấy, tính đến cuối quý I/2021 có 871 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đã niêm yết, đăng ký giao dịch. Tuy nhiên, 754 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa khác chưa thực hiện nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.
Luật sư Lê Quang Vinh cho rằng, quy định hiện tại xử phạt là chưa đủ răn đe, khiến doanh nghiệp dây dưa không chịu lên sàn. Do thiếu chế tài quy trách nhiệm về sự chậm trễ này cho người quản trị, điều hành doanh nghiệp, nên họ cũng không nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật.
Việc doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt để không phải lên sàn chứng khoán thực hiện nghĩa vụ công ty đại chúng, cuối cùng chính cổ đông nhỏ lẻ chịu thiệt hại.
Tác giả bài viết: Nguyễn Đoàn
Nguồn tin: tinnhanhchungkhoan.vn