Thị trường chứng khoán: Khi mọi giá trị bị đảo lộn
Không có một thống kê nào chỉ ra tỷ suất lợi nhuận giữa các nhóm nhà đầu tư trong năm 2021. "Càng liều càng giàu", "thị trường chỉ có 2 loại cổ phiếu là cổ phiếu lái và cổ phiếu giảm" cứ đu cổ phiếu hàng lái, cổ phiếu bất động sản là giàu.
Trên một chuyến Grab chiều nay, bác tài xế quay sang bảo chúng tôi: "Tết này mà không có quả sập đấy, có khi mọi người vẫn giàu lắm nhỉ".
Tôi há mồm, hỏi sao bác biết, "bác cũng biết đầu tư chứng khoán à?". Bác tài xế cười bảo, bác không biết chứng cháo là gì, nhưng mấy cuốc chở mấy cô văn phòng, thấy khoe nhau lãi kinh lắm, mà giá tăng nhiều quá các cô ý không bán, có khi càng lên lại càng mua thêm. Bác thích đọc thông tin nên bác tìm hiểu, báo chí đưa tin suốt về vụ sập đó mà.
"Mà cả tuần vừa rồi chứng khoán giảm thế, có khi các cô ấy mất Tết nhỉ", bác tài xế đặt câu hỏi.
Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong tháng 12, nhà đầu tư trong nước mở mới 226.580 tài khoản chứng khoán, tăng hơn 6.000 tài khoản so với tháng trước. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 226.390 tài khoản và 190 tài khoản đến từ nhà đầu tư tổ chức.
Lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trong tháng 12 vừa qua là con số lớn nhất trong lịch sử 21 năm thành lập thị trường. Đây cũng là tháng thứ 10 liên tiếp số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước duy trì ở mức trên 100.000 mỗi tháng và là tháng thứ 2 liên tiếp có trên 200.000 tài khoản được mở mới.
Tính chung năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, lớn gấp rưỡi tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017; 2018; 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản). Tính bình quân, mỗi ngày có 4.100 F0 tham gia thị trường.
Những con số trên là niềm mơ ước của ngành chứng khoán, kéo dòng vốn nhàn rỗi vào thị trường là những gì ngành chứng khoán đã và đang làm hết sức trong thời gian qua. 21 năm chúng ta xây dựng nền móng, và giờ đến thời điểm chín muồi.
Covid đã tạo ra cú hích khiến dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán. Có nhiều lý do đã được nhắc đến như tiền nhàn rỗi của cá nhân và doanh nghiệp khi các ngành nghề kinh doanh chính gặp khó khăn và không thể mở rộng đầu tư, các công ty chứng khoán cho phép mở tài khoản online nên nhà đầu tư từ các tỉnh xa cũng có thể đầu tư cổ phiếu, nhưng lý do lớn nhất kéo thanh khoản thị trường tăng vọt chỉ gói gọn trong một chữ THAM.
Không một nơi nào trên thế giới học nhanh như nhà đầu tư tại Việt Nam. Khi tiền gửi ngân hàng chỉ 7%/năm thì các màn khoe lãi trên thị trường chứng khoán quả thực đã khiến nhiều người mờ mắt. Làm gì có một ngành nghề kinh doanh nào có thể kiếm lãi gấp 2,3 lần trong vòng mấy tháng như những gì DIG, CEO, L14 làm trong 2 tháng vừa qua? Doanh nghiệp có bán đất, book lãi như thế nào để thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) có thể đuổi kịp với đà tăng của cổ phiếu? Những thứ đó nhà đầu tư mới không quan tâm, họ chỉ biết đổ tiền vào, đu, và nhìn số lãi tăng lên mỗi ngày cùng với những lời hô hào của đội lái.
Cổ phiếu TGG tăng từ 2.000 đồng lên 80.000 đồng/cp sau đó giảm về 12.000 đồng/cp
Cổ phiếu CEO tăng từ 9.000 đồng lên 94.000 đồng/cp trong 6 tháng
Không có một thống kê nào chỉ ra tỷ suất lợi nhuận giữa các nhóm nhà đầu tư trong năm 2021. "Càng liều càng giàu", "thị trường chỉ có 2 loại cổ phiếu là cổ phiếu lái và cổ phiếu giảm" cứ đu cổ phiếu hàng lái, cổ phiếu bất động sản là giàu.
Rất nhiều nhà đầu tư Fn đã ngậm đắng nuốt cay trong nửa cuối năm 2021 khi dòng tiền hoàn toàn "bơ" nhóm VN30. Cổ phiếu ngân hàng giảm 10% từ đỉnh và đi ngang hoàn toàn trong 6 tháng cuối năm 2021, các doanh nghiệp đầu ngành lãi lớn, hơn 10.000 tỷ/quý như như HPG còn thảm hơn, giảm 20% từ đỉnh và đến ngày hôm nay giảm khoảng 25-28%.
Các cổ phiếu được "đu bám" nhiều nhất đa phần giảm sàn trong phiên giao dịch hôm nay (24/1/2022)
Chuyện gì đang xảy ra với thị trường này vậy?
Trao đổi với lãnh đạo ngành chứng khoán, một trong những vấn đề lớn nhất của ngành cần sự chung tay của rất nhiều bên hiện nay đó là nâng cao nhận thức của nhà đầu tư. Việc phổ cập chứng khoán đến từng ngõ ngách hiện nay đòi hỏi một sự đầu tư và nghiên cứu nghiêm túc, thay vì chỉ hỏi nhau 3 chữ cái xem mua con gì bán con gì.
Việc huỷ lệnh "bán chui" thời gian qua giống như một gáo nước lạnh dội vào những cái đầu đang nóng hừng hực. Sẽ có những đội lái chùn tay, sẽ có những kho hàng cho vay 2:8, 3:7 buộc phải mang cổ phiếu ra giải chấp, sẽ có những nhà đầu tư đu bám cổ phiếu trên đỉnh cây thông buộc phải cắt lỗ. Nhưng kéo theo đó sẽ là hành động "bán lan". Nghĩa là khi một cổ phiếu trong danh mục giảm sàn, tâm lý của đại đa số sẽ là bán cổ phiếu giảm ít để bắt đáy/đỡ giá cổ phiếu giảm nhiều. Điều này gây ra tình trạng quá bán tại nhiều cổ phiếu cơ bản và có nền tảng tốt.
Nhà đầu tư thiệt hại, thị trường thiệt hại, vốn hoá thị trường bốc hơi, nhà đầu tư nước ngoài mất niềm tin vào thị trường, những thứ đó sẽ ảnh hưởng lâu dài nếu chúng ta không có một chế tài khắt khe với các hoạt động thao túng giá của các đội lái trên thị trường.
"Mọi thứ sẽ xoay quanh giá trị thật của nó". Cuối tháng 1/2022 sẽ là thời điểm công bố kết quả kinh doanh của năm 2021 và bắt đầu hé lộ kế hoạch kinh doanh 2022. Thị trường sẽ phân hoá mạnh và dòng tiền sẽ được nắn về giá trị thực của các doanh nghiệp làm ăn tốt và bài bản. Cổ phiếu hàng lái, kết quả kinh doanh thua lỗ sẽ được phơi bày ra ánh sáng.
Suy cho cùng, "đầu tư chứng khoán" hay "chơi chứng khoán" là lựa chọn của mỗi nhà đầu tư. Nhưng trước khi đặt lệnh, điều trước tiên phải xem xét là nếu cổ phiếu này giảm sàn và mất thanh khoản thì mình sẽ được và mất như thế nào rồi hãy quyết định có nên đu theo đội lái hay không.
Tác giả bài viết: Châu Cao - Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Nguồn tin: Cafef.vn