Thị trường tài chính 24h: Nhà đầu tư “lướt sóng” khó kiếm lãi hơn

30/03/2022 | Tin Chứng khoán
(ĐTCK) VN-Index hồi phục gần 15 điểm; Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cao; Lại nóng chuyện tăng vốn mùa đại hội chứng khoán; Đua game thâu tóm; Giao dịch chứng khoán: Khó “đánh” T+; Ấn Độ "chìa cành ô liu" với Nga, Trung Quốc có thể theo chân.là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 29/3 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm mạnh 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 68,40– 69,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng giảm 35,8 USD/ounce xuống 1.922,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đi ngang và lùi về 1.910 USD/ounce, trước khi nảy lên gần 1.915 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 98,78 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 29/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.146 đồng/USD, tăng 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.740 – 23.020 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 47.100 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục nhích lên và vượt 47.500 USD/ounce vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,12 USD (-0,11%), xuống 105,84 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,42 USD (+0,37%), lên 112,90 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index hồi phục

Việc bán “quá đà” trong phiên hôm qua đã kích thích cầu bắt đáy hoạt động mạnh kéo VN-Index bật tăng áp sát mốc 1.500 điểm. Tại ngưỡng cản này, VN-Index gặp đôi chút rung lắc, song chỉ số kết phiên ở mức cao gần nhất ngày.

Rổ VN30 có một vài mã thực sự bứt phá như FPT + 6,9%, BVH +5%, hay TPB, VHM, VNM, PNJ tăng trên 2%.

Nhóm vừa và nhỏ giao dịch sôi động với tâm điểm HQC, khi khớp lệnh 36,7 triệu đơn vị, dẫn đầu toàn thị trường, kết phiên tăng trần 6,9%. Các mã DIG, CTD, CIG, C47, MCG, TGG… cũng tăng kịch biên độ.

Ở chiều ngược lại, họ FLC vẫn nằm sàn la liệt, bất chấp cầu bắt đáy hoạt động khá tích cực.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 0,88 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị là mua ròng 63,75 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 29/3: VN-Index tăng 14,85 điểm (+0,98%), lên 1.497,76 điểm; HNX-Index tăng 6,35 điểm (+1,4%), lên 461,24 điểm; UPCoM-Index tăng 1,36 điểm (+1,17%), lên 117,37 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tiếp tục tăng điểm trong phiên ngày thứ Hai (28/3), khi giá dầu thô giảm và giới đầu tư kỳ vọng lớn vào vòng đàm phán hòa bình Nga-Ukraine sau hơn hai tuần.

Chỉ số năng lượng thuộc S&P phiên này giảm 2,56%, là lĩnh vực hoạt động kém nhất sau khi giá dầu lao dốc hơn 7%, ảnh hưởng bởi lo ngại về nhu cầu giảm do việc Trung Quốc phong tỏa trung tâm tài chính Thượng Hải để kiềm chế sự gia tăng của dịch Covid-19.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của Nhà sản xuất ô tô điện Tesla tăng vọt 8,03% và là mức tăng lớn nhất đối trên S&P 500 và Nasdaq, sau khi cho biết đang muốn chia tách cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông.

Trong khi đó, giới đầu tư kỳ vọng mới về hòa bình Nga-Ukraine, sau khi hai nước cho biết các phái đoàn của họ sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia các cuộc đàm phán hòa bình dự kiến ​​diễn ra vào thứ Ba.

Kết thúc phiên 28/3, chỉ số Dow Jones tăng 94,65 điểm (+0,27%), lên 34.955,89 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 32,46 điểm (+0,71%), lên 4.575,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 185,60 điểm (+1,31%), lên 14.354,90 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, dẫn đầu bởi các nhà sản xuất ô tô và vận tải biển, và nhu cầu đảm bảo quyền chi trả cổ tức đang thúc đẩy thị trường.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,1% lên 28.252,42 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,93% lên 1,91,66 điểm.

Cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô và phụ tùng cũng như vận tải đã dẫn đầu mức tăng trong số 33 chỉ số phụ ngành của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, lần lượt tăng 2,08% và 1,82%.

Theo đó, Toyota Motor tăng 2,68%, Honda Motor tăng 2,27% và Nissan Motor tăng 1,44% nhờ đồng yên dao động ở mức thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 8/2015.

Mặt khác, các nhà máy lọc dầu là những công ty giảm nhiều nhất, giảm 1,69% do giá dầu giảm với Eneos Holdings trượt 2,06% và Idemitsu Kosan mất 1,4%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do cổ phiếu công nghệ và người tiêu dùng suy yếu, khi việc phong tỏa ở thành phố đông dân nhất của nước này đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,33% xuống 3.203,94 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,35% xuống 4.134,44 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành tài chính giảm 0,47%, ngành tiêu dùng giảm 1,23% và công nghệ giảm 2%.

Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, đã phong tỏa hai giai đoạn vào thứ Ba, yêu cầu một số người dân ở trong nhà vì số trường hợp nhiễm mới Covid-19 hàng ngày tăng vượt quá 4.400 ca.

Giao dịch khá thưa thớt với chỉ có 31,63 tỷ cổ phiếu được giao dịch trên sàn giao dịch Thượng Hải trong ngày, bằng 86,8% so với mức trung bình trong 30 ngày là 36,43 tỷ cổ phiếu mỗi ngày.

Chứng khoán Hồng Kông thêm một phiên được nâng đỡ nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,12% lên 21.927,63 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,58% lên 7.513 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng tăng 2,2%, trong khi lĩnh vực công nghệ tăng 2,52%.

Cổ phiếu công nghệ lớn Meituan đã có ngày thứ hai tăng mạnh, tăng 5,78%, sau khi đã báo cáo mức tăng trưởng doanh thu quý IV vừa qua tốt hơn mong đợi vào thứ Sáu tuần trước.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, do hy vọng về các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, và giá dầu giảm.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 11,51 điểm, tương đương 0,42%, lên 2.741,07 điểm.

Dẫn đầu mức tăng là hai gã khổng lồ chip Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt tăng 0,72% và 1,69%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 1,03%.

Kết thúc phiên 29/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 308,53 điểm (+1,10%), lên 28.252,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 10,56 điểm (-0,33%), xuống 3.203,94 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 242,66 điểm (+1,12%), lên 21.927,63 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 11,51 điểm (+0,42%), lên 2.741,07 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cao

Nhiều ngân hàng lạc quan khi đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022, dù phụ thuộc vào hạn mức mà Ngân hàng Nhà nước cấp và hạn mức này hiện chưa được phân bổ..>> Chi tiết

- Lại nóng chuyện tăng vốn mùa đại hội chứng khoán

Trên đường băng tăng vốn, nhiều công ty chứng khoán đang sẵn sàng cho những cú “bật xa”..>> Chi tiết

- Đua game thâu tóm

Các câu chuyện đồn đoán về việc thâu tóm, sáp nhập và lời hô hào mua vào trên nhiều diễn đàn mạng đã thúc đẩy giá một loạt cổ phiếu tăng vọt, dù nội tại doanh nghiệp yếu kém..>> Chi tiết

- Giao dịch chứng khoán: Khó “đánh” T+

Thị trường đi ngang trong biên độ hẹp, nhà đầu tư theo trường phái “lướt sóng” khó kiếm lãi hơn..>> Chi tiết

- Giới phân tích: Ấn Độ "chìa cành ô liu" với Nga, Trung Quốc có thể theo chân

Lượng dầu mỏ mà Nga chuyển đến Ấn Độ đã "gia tăng đáng kể" kể từ tháng 3 và New Delhi có vẻ sẽ mua thêm dầu giá mềm hơn từ Moscow, theo các nhà phân tích.

Tác giả bài viết: Tác giả -Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn tin: tinnhanhchungkhoan.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây