Thứ hạng về vốn điều lệ các ngân hàng sẽ xáo trộn mạnh trong năm nay!
Tăng vốn điều lệ tiếp tục là tâm điểm của đại hội đồng cổ đông các nhà băng trong năm nay. Với nguồn lợi nhuận để lại khá cao từ những năm trước, các ngân hàng đều muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn thay vì chia cổ tức bằng tiền mặt.
10 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hiện nay thì có đến 8 ngân hàng muốn tăng tiếp vốn trong năm 2020.
Hiện tại, BIDV là ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống với 40.220 tỷ đồng nhưng vẫn muốn tăng thêm. Cụ thể, ĐHĐCĐ thường niên của BIDV vào ngày 7/3 đã thông qua phương án tăng vốn bằng 2 cách. Thứ nhất, BIDV sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 7%, dự kiến thực hiện trong quý 3 – 4/2020. Thứ hai, ngân hàng dự kiến chào bán riêng lẻ/chào bán ra công chúng 341 triệu cổ phần, tức tỷ lệ phát hành 8,5%, thực hiện trong giai đoạn 2020-2021.
Nếu thực hiện được kế hoạch trên, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng thêm 6.230 tỷ lên 46.450 tỷ đồng (tăng 15,5% so với cuối năm 2019).
Ngoài ra, BIDV cũng cho biết sẽ tiếp tục trình cơ quan nhà nước có phẩm quyền chấp thuận phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và phát hành trái phiếu chuyển đổi.
3 ngân hàng thương mại nhà nước khác là Vietcombank, VietinBank, Agribank cũng muốn tăng vốn trong năm nay. Trong đó, VietinBank đang chờ Nghị định 91, Nghị định 32 của Chính phủ được sửa đổi để được chính thức tăng vốn từ lợi nhuận để lại năm 2017-2018. Tuy nhiên, phương án cụ thể tăng vốn lên bao nhiêu chưa được công bố. Được biết, lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ năm 2017-2018 của VietinBank khoảng hơn 7.000 tỷ đồng.
Vietcombank thì trình cổ đông phương án tăng vốn khá "hoành tráng", theo 2 cấu phần: phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư. Dự kiến tỷ lệ chi trả cổ tức là 18%, số cổ phiếu phát hành riêng lẻ tối đa hơn 241 triệu cổ phiếu. Nếu cả 2 phương án này đều thành công, Vietcombank sẽ nâng vốn điều lệ lên 46.174 tỷ đồng, nhiều khả năng vượt VietinBank và chỉ đứng sau BIDV.
Tuy nhiên, phương án tăng vốn từ giữ lại lợi nhuận hay chia cổ tức bằng cổ phiếu của cả 3 ngân hàng nói trên đều phải chờ nhiều thủ tục, được sự đồng ý của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.
Agribank có lẽ là ngân hàng có khả năng tăng vốn dễ hơn. Ngày 8-6, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã chính thức thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội về việc bổ sung vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng trong năm nay. Nếu tăng vốn thành công, vốn điều lệ của Agribank sẽ tăng lên 34.091 tỷ đồng.
Mặc dù được tăng vốn, Agribank vẫn chỉ đứng ở vị trí thứ 5 về vốn điều lệ, thấp hơn Techcombank dù Techcombank chỉ tăng vốn thêm gần 50 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu ESOP trong năm nay. Hiện vốn điều lệ của Techcombank đạt hơn 35.000 tỷ đồng.
Cuối tháng 5, thứ hạng từ vị trí thứ 6 đến 10 về vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng đang lần lượt là VPBank, MBBank, Sacombank, SHB, ACB. Nhưng nếu các kế hoạch tăng vốn thành công, thứ hạng này sẽ có sự xáo trộn mạnh do Sacombank và VPBank không tăng vốn điều lệ trong năm nay.
Cụ thể, tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào ngày 24/6, HĐQT MBBank sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ từ 23.370 tỷ đồng lên 27.988 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 15%, thực hiện trong quý 3-4/2020. Theo đó, vốn điều lệ của MBBank sẽ vượt VPBank (25.299 tỷ đồng).
SHB, ACB cũng muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ lần lượt là 10% và 30% để đưa vốn điều lệ lên 19.313 tỷ đồng và 21.615 tỷ đồng.
SCB thì có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 15.232 tỷ đồng lên 20.232 tỷ đồng thông qua phương thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Cụ thể, ngân hàng sẽ chào bán 500 triệu cổ phần với giá chào bán bằng mệnh giá (10.000 đồng/cp) cho cổ đông hiện hữu sở hữu tư 0,5% vốn điều lệ trở lên, nhà đầu tư (NĐT) trong nước và nước ngoài.
Nếu SHB, ACB, SCB tăng vốn thành công thì sẽ đánh bật Sacombank ra khỏi Top 10 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất. SHB từ vị trí thứ 8 sẽ xuống vị thứ 10, ACB vọt lên vị trí thứ 8, SCB đứng thứ 9.
Một ngân hàng nữa cũng có kế hoạch tăng vốn mạnh tới 65% trong năm nay đó là HDBank. Đại hội cổ đông của nhà băng này mới đây đã thống nhất việc tăng vốn từ dưới 10 nghìn tỷ lên trên 16.000 tỷ đồng thông qua trả cổ tức và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ tổng cộng 65%.
Tuy nhiên, không phải kế hoạch tăng vốn nào cũng có thể thực hiện thành công, đặc biệt trong bối cảnh năm nay thị trường có những diễn biến khó lường. Việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ còn phụ thuộc vào thị trường chứng khoán và tìm kiếm nhà đầu tư.
Đơn vị: tỷ đồng
Không chỉ các ngân hàng lớn và các ngân hàng tầm trung, ngân hàng nhỏ cũng "ráo riết" tăng vốn trong năm nay vì là hạn cuối cùng để đáp ứng Thông tư 41 về tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II. Chẳng hạn, SeABank muốn tăng vốn lên hơn 12.000 tỷ, LienVietPostBank tăng lên hơn 11.300 tỷ,...
Nguồn tin: Cafef.vn