Tiền vào chứng khoán bất ngờ giảm mạnh, vì sao?
Trong tuần vừa qua, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán bất ngờ sụt giảm sau một thời gian bùng nổ, các chỉ số và giá cổ phiếu dao động mạnh khiến giới đầu tư lo ngại.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (25-6), VN-Index tăng 10,4 điểm (0,75%) lên 1.390,12 điểm. HNX-Index tăng 3,14 điểm (1%) lên 318,22 điểm. Riêng, UPCoM-Index giảm 0,2 điểm, xuống 89,48 điểm.
Như vậy, sau một tuần giằng co với các phiên tăng, giảm đan xen không quá ấn tượng, tổng cộng VN-Index tăng 12,35 điểm (0,9%) lên 1.390,12 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 0,51 điểm (-0,2%) xuống 318,22 điểm và UPCoM-Index cũng giảm 0,74 điểm (-0,82%) xuống 89,48 điểm.
Thanh khoản toàn thị trường tương đương phiên trước đạt 23.500 tỉ đồng nhưng lại giảm mạnh so với những phiên đầu tháng 6. Riêng sàn HOSE chỉ đạt 16.700 tỉ, đồng, giảm gần 50% so với đỉnh (32.000 tỉ đồng) của thị trường cách đó 2 tuần.
Trung bình tuần qua, giá trị giao dịch trên sàn HoSE chưa tới 20.000 tỉ đồng/phiên. Trong khi những tuần trước đều đạt tới 27.000 tỉ đồng dù hệ thống lúc giao dịch b nghẽn lệnh.
Chia sẻ về thanh khoản thị trường đột ngột giảm mạnh tuần qua, các chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân là do việc các tổ chức, doanh nghiệp chốt bảng cân đối kế toán nhằm chuẩn bị cho mùa báo cáo tài chính quý II/2021. Các công ty chứng khoán rút bớt tiền hoặc hạn chế cho vay đến hết tháng 6 sẽ mở bung trở lại. Vì vậy dự báo thanh khoản ở các phiên đầu tuần tới sẽ còn tiếp tục sụt giảm.
"Việc thanh khoản tăng, giảm hiện tại chưa phản ánh bản chất của thị trường hay doanh nghiệp, đây chỉ là kỹ thuật giao dịch ngắn hạn. Vì vậy nhà đầu tư có thể cân nhắc yếu tố này trong quá trình giao dịch cổ phiếu" - một vị chuyên gia chia sẻ.
Một thông tin đáng chú ý được công bố vào cuối ngày 25-6 là việc tổ chức Morgan Stanley Capital International (MSCI) công bố kết quả đợt xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán nhưng một lần nữa thị trường Việt Nam lại "lỡ hẹn" bởi còn nhiều vấn để cần phải cải thiện. Đặc biệt, tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HoSE vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến quá trình xem xét nâng hạng thị trường.
Theo đó, MSCI đã đề xuất chuyển Pakistan từ thị trường mới nổi (Emerging Market) sang thị trường cận biên (Frontier Market). MSCI sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng nghẽn lệnh trên HOSE để để đưa ra những đánh giá mới trong thời gian tới. Các chuyên gia cho rằng nếu hoàn thành triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới trong năm 2021, Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI trong kỳ đánh giá thường niên năm sau. Sau đó, thị trường Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ xem xét vào tháng 6-2023.
Tác giả bài viết: Theo Sơn Nhung - Người lao động
Nguồn tin: Cafef.vn