Tổng công ty SCIC: Vốn hoá thị trường đạt 6,2 tỷ đô la
Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, sau gần 14 năm đi vào hoạt động (8/2006), SCIC đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đối với các công ty cổ phần sau cổ phần hóa. Cơ chế người đại diện phần vốn Nhà nước triển khai tại tất cả các doanh nghiệp được kết hợp chặt chẽ với sự giám sát và chỉ đạo trực tiếp của chủ sở hữu đã giúp SCIC bảo toàn và phát triển phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/ Lê Sơn. |
Hoạt động kinh doanh "một vốn, bốn lời"
Trong việc triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN, ông Nguyễn Đức Chi cho hay, SCIC được xem là một trong những Tổng công ty đi đầu với những kết quả tích cực đạt được về thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp trong danh mục Nhà nước không cần nắm giữ. Việc thoái vốn được tiến hành chuyên nghiệp, đa dạng hóa về phương thức và đảm bảo tuyệt đối tuân thủ pháp luật, công khai, minh bạch trong các khâu, từ định giá đến tổ chức đấu giá, chào bán cạnh tranh, bán cả lô... SCIC cũng triển khai thành công bước đầu mô hình đại diện chủ sở hữu thực hiện đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước với tổng vốn đầu tư đã giải ngân đến thời điểm hiện nay là khoảng 28.000 tỷ đồng, bảo toàn vốn và đạt hiệu quả khá cao.
Kết quả kinh doanh cho thấy, lũy kế từ khi thành lập đến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu của SCIC đạt trên 51.911 tỷ đồng; tổng tài sản đạt trên 55.828 tỷ đồng (theo giá trị sổ sách); vốn hóa thị trường đạt 146.512 tỷ đồng (khoảng 6.2 tỷ USD). So với thời điểm thành lập, doanh thu của SCIC tăng gấp 46,8 lần; lợi nhuận sau thuế tăng gấp 37,1 lần; vốn chủ sở hữu tăng gấp 14,2 lần; tổng tài sản tăng gấp 10,5 lần; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân 13,1%/năm; tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản (ROA) bình quân 12,2%/năm.
Năm 2019, doanh thu của SCIC đạt 6.782 tỷ đồng, bằng 104% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt 4.105 tỷ đồng và 4.104 tỷ đồng; nộp NSNN (bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận sau thuế) đạt 5.346 tỷ đồng, bằng 146% so với kế hoạch. Nếu không tính ảnh hưởng của việc tiếp nhận Tổng công ty Thép Việt Nam, lợi nhuận trước thuế và sau thuế SCIC đạt 6.293 tỷ đồng và 5.919 tỷ đồng, tương ứng đạt 125% và 131% so với kế hoạch.
Tính đến 8/4 năm nay, tổng doanh thu của SCIC đạt 1.384 tỷ đồng, bằng 20% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế và sau thuế SCIC đạt 1.019 tỷ đồng và 858 tỷ đồng, tương ứng đạt 21% và 19% kế hoạch; nộp NSNN (bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận sau thuế) ước đạt 762 tỷ đồng, bằng 22% so với kế hoạch.
Kết quả bán vốn thu được 4,2 lần giá vốn
Một trong những kết quả lớn của SCIC là từ khi thành lập đến nay, SCIC đã tiếp nhận được 1.068 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước hơn 21.969 tỷ đồng, trong đó, năm 2019, tiếp nhận được 13 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước hơn 7.160 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi thành lập SCIC đến nay.
Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg, SCIC đã hoàn thành tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 35/62 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 10.742 tỷ đồng (chiếm 95.2% số vốn phải tiếp nhận). Sau khi có Quyết định 1232, kết quả tiếp nhận DN về SCIC tăng đáng kể so với các năm trước, cụ thể: năm 2015: 438 tỷ đồng; 2016: 818 tỷ đồng; 2017: 996 tỷ đồng; 2018: 4.136 tỷ đồng; 2019: 7.160 tỷ đồng.
Từ khi thành lập đến nay, SCIC đã bán vốn tại hơn 1.000 doanh nghiệp với giá vốn 11.169 tỷ đồng và thu về 47.306 tỷ đồng. Các doanh nghiệp thuộc diện bán vốn chủ yếu có quy mô nhỏ, kinh doanh kém hiệu quả nhưng kết quả bán vốn thu được gấp 4,2 lần giá vốn (bình quân cả nước là 1,48 lần).
Đặc biệt, SCIC đã triển khai bán vốn thành công, mang lại hiệu quả cao tại một số doanh nghiệp có quy mô lớn: Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Vinaconex… Trong quá trình triển khai, các đơn vị tư vấn bán cổ phần bao gồm cả các ngân hàng đầu tư nước ngoài đã phối hợp với SCIC tiếp cận giới thiệu cơ hội đầu tư đến rộng rãi các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, hỗ trợ SCIC rà soát và tư vấn về thủ tục chào bán để đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng nhà đầu tư tham gia mua cổ phần. Các đợt bán vốn của SCIC do đó đạt được hiệu quả bán vốn cao và tạo được ấn tượng tốt trong giới đầu tư về các đợt chuyển nhượng vốn của nhà nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm việc với Tổng công ty SCIC. Ảnh: VGP/ Lê Sơn |
Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19
Trong 3 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh cả nước ứng phó với dịch bệnh Covid-19, với đặc thù hoạt động hiện tại, SCIC ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh đến việc huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, do SCIC chưa phải vay nợ và chi phí sản xuất (chủ yếu là chi phí quản lý và giá vốn các doanh nghiệp bán vốn, không trực tiếp sử dụng nguyên nhiên vật liệu, vận chuyển như các đơn vị sản xuất khác).
Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC (những doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp) bị ảnh hưởng rất nặng nề do các yếu tố đầu vào tăng giá/khan hiếm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, khó khăn trong việc tiêu thụ đầu ra. Theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 3, một số doanh nghiệp ước tính mức thiệt hại rất lớn như: Tập đoàn dệt may Vinatex dự kiến giảm 22% doanh thu (284 tỷ đồng) và 79% lợi nhuận (237 tỷ đồng) so với kế hoạch; FPT Telecom dự kiến giảm 15% doanh thu (1.789 tỷ đồng) và 20% lợi nhuận (413 tỷ đồng) so với kế hoạch; CTCP Sữa Việt Nam dự kiến giảm 2.089 tỷ đồng doanh thu và 413 tỷ đồng lợi nhuận so với kế hoạch; TCTCP Thép Việt Nam Vnsteel dự kiến giảm 20% doanh thu (4.050 tỷ đồng) và 124% lợi nhuận (372 tỷ đồng) so với kế hoạch; Công ty Seaprodex dự kiến giảm 29% doanh thu (50 tỷ đồng) và 31% lợi nhuận (16 tỷ đồng) so với kế hoạch; Công ty TNHH MTV đầu tư SCIC (SIC) dự kiến giảm 37% doanh thu (45 tỷ đồng) và 89% lợi nhuận (16,3 tỷ đồng) so với kế hoạch...
Do đó, khả năng doanh thu năm 2020 của SCIC có thể bị ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh Covid-19, trong đó, doanh thu từ cổ tức giảm do hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp (trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn) hết sức khó khăn. Doanh thu bán vốn giảm do thị trường chứng khoán sụt giảm cả về cung và cầu, một mặt khó thu hút nguồn vốn từ nước ngoài, mặt khác hoạt động của các doanh nghiệp bán vốn rất khó khăn nên chất lượng nguồn cung không tốt. Doanh thu tài chính giảm do xu hướng lãi suất hạ để hỗ trợ nền kinh tế (trong tháng 3 Fed hạ lãi suất về 0%, Ngân hàng nhà nước đã hạ lãi suất điều hành từ 0.5-1%/năm và xu hướng này có thể tiếp tục nếu dịch bệnh chưa kết thúc).
Theo ông Nguyễn Đức Chi, căn cứ theo diễn biến của dịch Covid-19, SCIC đã xây dựng 3 kịch bản triển khai kế hoạch trong năm 2020, trong đó, kịch bản 1: Nếu dịch bệnh kết thúc trong Quý II/2020, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của SCIC dự kiến cùng đạt 82% kế hoạch. Kịch bản 2: Nếu dịch bệnh kết thúc trong Quý III/2020, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của SCIC dự kiến đạt tương ứng 64% và 46% kế hoạch. Kịch bản 3: Nếu dịch bệnh kết thúc trong Quý IV/2020, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của SCIC dự kiến chỉ đạt tương ứng 50% và 16% kế hoạch.
Nguồn tin: baochinhphu.vn