Tỷ phú đầu tư George Soros khuyên gì để thành công?
Đối với những người quan tâm đến thị trường chứng khoán, tỷ phú Soros còn được biết đến với sự nghiệp lâu dài là một nhà đầu tư lẫy lừng ở phố Wall, "kẻ phá sập Ngân hàng Anh" hay nhà đầu tư huyền thoại không kém cạnh tỷ phú Warren Buffett…
George Soros (sinh ngày 12/08/1930), tên thật là Dzichdzhe Shorak, ông sinh ra và lớn lên tại thành phố Budapest, Hungary trong một gia đình cơ bản với cha là luật sư và mẹ nội trợ tại gia. Tuổi thơ của George sẽ rất êm đềm nếu không xảy ra chiến tranh thế giới lần thế giới lần thứ II. Năm ông 15 tuổi, Đức quốc xã chiếm Hungary. Là người Do Thái, gia đình ông đứng trước nguy cơ bị lùa vào trại tập trung. May mắn tới với gia đình ông là là trong khi nửa triệu người Do Thái gốc Hungary bị phát xít Đức sát hại thì gia đình George Soros đã may mắn thoát nạn
Khi còn nhỏ, ông được dạy rằng người Do Thái có thể chạy chứ không được lẩn trốn. Năm 1947, George Soros sang Anh bắt đầu cuộc đời khốn khó của dân nhập cư. Công việc ban đầu của ông tại đây là bồi bàn ở hiệu ăn sang trọng Quaglino, London. Khi đó, cả gia đình ông phải sống bằng trợ cấp của các cơ quan phúc lợi xã hội.
Năm 18 tuổi, ông đăng kí và được nhận vào học tại Học viện Kinh tế London. Sau giờ học, ông còn phải làm thêm rất nhiều công việc tay chân như nhặt táo, gác tàu hỏa để kiếm thêm thu nhập trang trải học phí.
Sau khi ra trường, George Soros tìm kiếm công việc đầu tiên trên thị trường tài chính. Ông đến thử việc tại Công ty Singer & Friedlander do một đồng hương người Hungary làm quản lý. Chẳng bao lâu, Soros phát hiện mình không phù hợp với công việc ở hãng này và ông quyết định ra đi. Trong lúc đang tìm việc làm mới, Soros được tin một người bạn của cha mình đang cần người phụ việc trong hãng môi giới chứng khoán có trụ sở tại thành phố New York.
Kể từ đây cuộc đời một huyền thoại đầu tư nổi tiếng bắt đầu bước sang trang mới khi ông liên tiếp được cấp trên bổ nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong công ty. Mặc dù đạt được nhiều thành công nhưng phương châm của Soros lại khá đặc biệt, đó là trong kinh doanh, việc đúng hay sai không quan trọng, cái quan trọng là nếu đúng sẽ có bao nhiêu tiền, và nếu sai sẽ mất bao nhiêu tiền.
Cũng có thể coi là một trong những nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại. Ông bắt đầu mua cổ phiếu vào năm 25 tuổi và tạo ra thành tựu xuất chúng trong chưa đầy 10 tiếp theo. Thời điểm những năm đó, sau một thời gian hoạt động trong lĩnh vực buôn bán chứng khoán , ông thành lập công ty quản lý tài chính Soros với số vốn 17 triệu USD.
Ba năm sau sau đó, ông đã tăng ngân sách của mình lên 100 triệu USD. Năm 1992 , ông thu được một món lợi lớn từ sự sụt giá của đồng bảng Anh , và đã thu lợi tới 1 tỷ USD chỉ trong vòng một tuần. Đồng thời cũng trong khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Soros thu lợi hàng tỷ đô la nhờ bán khống.
Ông cũng chính là chủ của Soros Quantum Fund nổi tiếng trên thị trường tài chính thế giới với tỷ suất lợi nhuận bình quân lên tới từ 30% - 50% trong thời gian làm lãnh đạo. Bên cạnh đó, George Soros còn là một nhà từ thiện hào phóng bậc nhất thế giới.
Trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Mỹ, khi được hỏi về lời khuyên dành cho những nhà đầu tư mới bước chân vào thị trường, ông đã khuyên như sau:
Luôn phải kiên định với chiến thuật và mục tiêu ban đầu
Muốn thành công trong phương pháp đầu tư giá trị, bạn cần có kế hoạch, phải phân tích kỹ càng, phải đo lường được rủi ro chứ không phải "chạy" theo đám đông. Điều này không có nghĩa là bạn đang cố thể hiện mình thông minh và sáng suốt hơn đám đông đang "cuồng loạn" ngoài kia, mà chỉ thể hiện rằng bạn hiểu mình đang làm gì và bạn tin tưởng vào kế hoạch mình đặt ra ban đầu.
Hiểu mình đang làm gì, hiểu tại sao giá trị cổ phiếu tăng lên, tại sao thị trường bất ổn là điều bắt buộc nhà đầu tư giá trị nào cũng phải có để tạo ra thành công cho mình. Bởi nhà đầu tư thành công theo ngài Soros là những người phải tuyệt đối bình tĩnh và xem xét mọi thứ trong bối cảnh dài hạn của mục tiêu, của kế hoạch.
Bỏ ngoài tai các tin đồn
Dường như những thông tin là thứ cần được quản trị rủi ro một cách đặc biệt bởi thị trường chứng khoán đang có xu hướng bị bội thực thông tin. Thông tin có thể đến từ những loan truyền miệng, đến từ các trang mạng xã hội, diễn đàn chứng khoán…
Sẽ hơi quá khi nói rằng phần lớn trong số các thông tin chúng ta nhận được từ những nguồn trên là không cần thiết, không thực sự mang lại hiệu quả cho hoạt động đầu tư. Thâm chí có nhiều trường hợp phản tác dụng, gây nhiễu và tạo ra thiệt hại nếu nhà đầu tư không tìm hiểu kĩ lưỡng mà đã sử dụng.
Soros cho rằng một trong những cách làm mất tiền trên thị trường chứng khoán là chỉ chăm chăm nghe ngóng những tin đồn, một vài nguồn tin không chính thống sau đó không kiểm tra kĩ những tin đồn đó mà lại vội vã đưa ra quyết định của bản thân là cách nhanh nhất khiến nhà đầu tư đi tới thất bại.
Để thành công, ông khuyên những nhà đầu tư nhỏ lẻ như chúng ta phải tự bỏ qua tất cả các ý kiến bên ngoài và các dự đoán. Sau đó cố gắng thực hiện theo chiến lược đã được hoạch định sẵn của bản thân.
Đừng học cách dự báo, hãy học cách phản ứng thích nghi nhanh nhạy
Đối với Soros, vốn dĩ thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng là không thể dự báo. Vì thế, luôn phải có nhiều kịch bản… Trên thị trường chứng khoán, thực tế thường diễn ra ngược lại những gì bạn dự báo trước.
Đối với mỗi nhà đầu tư cá nhân, ông khuyên hãy học cách phản ứng (react) nhanh nhạy chứ không dự báo. Hãy vẽ ra nhiều kịch bản và chuẩn bị trước cho mọi kế hoạch phản ứng.
Trong đầu tư hãy cứ im lặng mà tiến hành
Vốn là người kín đáo, Soros muốn thông tin về hoạt động của quỹ Quantum càng ít xuất hiện trên công chúng càng ít càng tốt. Luôn giữ kín các ý tưởng đầu tư của mình là một trong những bí quyết đầu cơ của Soros.
Tờ Institutional Investor diễn tả về Soros như sau: "Có nét bí ẩn như một chuyên gia ảo thuật, một người cô độc không bao giờ để lộ hành tung, thậm chí còn giữ khoản cách với cả người cộng tác của mình."
Đội ngũ nhân viên của Qũy Quantum được Soros nghiêm cấm tiết lộ với công chúng bất kỳ thông tin gì nếu chưa được ông cho phép. Bởi vì, ông không muốn nhiều người biết được kế hoạch và dự định đầu cơ của mình trong tương lai.
Theo quan điểm của ông, nếu phát hiện ra những gì mình làm, các nhà đầu tư khác sẽ đổ xô vào thị trường, kéo theo việc giá cả sẽ thay đổi và có thể làm tình hình sẽ diễn biến bất lợi. Đây sẽ là một kết cục tồi tệ. Vì thế, đối với một nhà giao dịch những vụ mua bán lớn như Soros, tác hại của việc phổ biến thông tin về kế hoạch đầu cơ của mình sẽ rất nặng nề.
Nguồn tin: Cafef.vn