10 NĂM PHÁT TRIỂN, UPCOM NGÀY CÀNG HẤP DẪN NHÀ ĐẦU TƯ

24/06/2019 | Tin từ HNX
10 NĂM PHÁT TRIỂN, UPCOM NGÀY CÀNG HẤP DẪN NHÀ ĐẦU TƯ
Ngày 24/6/2009, cùng với sự kiện chuyển đổi mô hình hoạt động từ Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thành Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thị trường giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) chính thức được vận hành tại HNX.
Trong bối cảnh thị trường giao dịch cổ phiếu tự do có quá nhiều rủi ro, gây mất an toàn về giao dịch và thanh khoản cho các nhà đầu tư, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã quyết tâm cho ra đời thị trường UPCoM. UPCoM ra đời với mục tiêu thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường giao dịch có tổ chức, có quản lý của Nhà nước, quy tụ các cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết về một đầu mối quản lý thống nhất, tạo ra cơ hội giao dịch chứng khoán công khai, minh bạch, an toàn và thuận lợi cho nhà đầu tư.
 
Với mục tiêu ban đầu đặt ra như vậy nên mô hình hoạt động của UPCoM là sàn giao dịch của cổ phiếu công ty đại chúng, cung cấp thông tin về giá và khối lượng giao dịch thực sự của cổ phiếu chưa niêm yết cho nhà đầu tư. Do vậy, các công ty đại chúng cần phải có một CTCK thành viên cam kết hỗ trợ để giúp công ty thực hiện các thủ tục ĐKGD và hỗ trợ tổ chức ĐKGD công bố thông tin theo quy định. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 2009 đến 2012, do quy mô thị trường UPCoM còn nhỏ, cổ phiếu trên UPCoM lại chỉ giao dịch theo phương thức thỏa thuận nên thanh khoản èo uột, vì vậy các CTCK không mấy mặn mà trong việc nhận làm thành viên cam kết hỗ trợ, dẫn tới việc công ty đại chúng gặp khó khăn khi muốn ĐKGD trên thị trường UPCoM.  
Trước thực tế này, Bộ Tài chính đã xem xét sửa đổi và Thông tư 95/2010/TT-BTC đã bỏ quy định doanh nghiệp phải có một thành viên cam kết hỗ trợ khi ĐKGD trên UPCoM để đơn giản hóa thủ tục cho các doanh nghiệp tham gia thị trường UPCoM. Nhờ đó, trong các năm sau đó, quy mô thị trường UPCoM bắt đầu có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, thị trường UPCoM chỉ thực sự bắt đầu bùng nổ từ năm 2014 cho đến nay, nhờ vào các các chính sách của Chính phủ, Bộ Tài chính (UBCKNN) cũng như sự nỗ lực không ngừng của Sở GDCK Hà Nội, sự quan tâm của doanh nghiệp và nhà đầu tư đối với thị trường.
Một loạt các chính sách đã được ban hành tạo điều kiện cho UPCoM phát triển. Cụ thể: Nghị định số 108/2013/NĐ-CP về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tường Chính phủ quy định các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa phải thực hiện đăng ký niêm yết và đăng ký giao dịch trên TTCK, Nghị định 60/2015/NĐ-CP cũng yêu cầu các doanh nghiệp đã là công ty đại chúng buộc phải đăng ký giao dịch trên UPCoM vì mục đích bảo vệ nhà đầu tư. Các văn bản này còn được cụ thể hóa tại Thông tư số 180/2015/TT-BTC quy định công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên UPCoM trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, Thông tư số 115/2016/TT-BTC gắn đấu giá cổ phần hoá DNNN tại Sở GDCK với đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM.
Sự hỗ trợ từ chính sách thông qua các văn bản pháp lý này đã tạo ra cú huých giúp thị trường UPCoM khởi sắc. Nếu như trong 6 năm đầu hoạt động, UPCoM chỉ có mức tăng trưởng rất khiêm tốn với 169 doanh nghiệp ĐKGD, giá trị giao dịch khoảng 15 tỷ đồng/phiên tính đến thời điểm 15/9/2014 thì giai đoạn sau đó, chỉ trong vòng 4 năm đến thời điểm 15/6/2019, số doanh nghiệp ĐKGD tăng gấp 5 lần lên 833 doanh nghiệp, giá trị giao dịch tăng 18 lần lên mức trên 250 tỷ đồng/phiên trong 5 tháng đầu năm 2019; quy mô thị trường tăng từ 24 nghìn tỷ lên 330 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp Nhà nước dồn dập lên UPCoM, các doanh nghiệp đấu giá cũng nhanh chóng lên UPCoM tạo thành một làn sóng mạnh mẽ các doanh nghiệp lên UPCoM từ năm 2014 đến nay. Sự kiện bùng nổ của các doanh nghiệp lên UPCoM đã được lựa chọn là một trong 10 sự kiện chứng khoán nổi bật của năm 2015 do CLB Nhà báo chứng khoán bình chọn.
Nhờ đó, hàng hóa trên UPCoM cũng phong phú, đa dạng hơn, với nhiều  hàng hóa có chất lượng tốt hơn, trong đó có những công ty có quy mô vốn lớn như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vốn hóa thị trường 180.695 tỷ đồng, Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA) vốn hóa 75.210 tỷ đồng, CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) 40.306 tỷ đồng, Tổng Công ty Dược Việt Nam (DVN) 3.483 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) 1.328 tỷ đồng... 
 
Sau 10 năm hình thành và phát triển, UPCoM đã khẳng định vai trò là kênh giao dịch cổ phiếu an toàn, hiệu quả cho nhà đầu tư và kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp. Với quy mô thị trường và chất lượng cổ phiếu gia tăng nhanh chóng, thị trường UPCoM đang ngày càng hấp dẫn cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài và đã trở thành thị trường được các quốc gia trong khu vực dành nhiều sự quan tâm, trao đổi kinh nghiệm vận hành, quản lý như: Singapore, Thái Lan, Lào.
Đến thời điểm này, có thể nói rằng UPCoM đã có tính quản lý nhưng còn thiếu tính thị trường. Do vậy mục tiêu trong thời gian tới là phải củng cố và bổ sung tính thị trường cho UPCoM, hoàn thiện và đưa mảng thị trường này thành mảnh ghép của thị trường cổ phiếu mà một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là tăng cường công tác giám sát, nâng cao tính minh bạch cho thị trường UPCoM. Công tác giám sát trên thị trường này ngày càng được đẩy mạnh và đạt tới mức giám sát cao như đối với thị trường niêm yết. Trên cơ sở đó, Sở GDCK Hà Nội đang kiến nghị UBCK xem xét áp dụng margin cho các cổ phiếu của các công ty đại chúng quy mô lớn trên UPCoM đáp ứng điều kiện như cổ phiếu niêm yết và sẽ kiến nghị nới biên độ giá giao dịch trên thị trường này. Ngoài ra, Sở cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ, thúc đẩy minh bạch cho các công ty trên UPCoM.
 
Các dấu mốc 10 năm UPCoM
 

Nguồn tin: HNX

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây