Chứng quyền có bảo đảm phiên bản Việt Nam

28/06/2019 | Tin từ SSC

Chứng quyền có bảo đảm chính thức đưa vào giao dịch là điều mong chờ của các thành viên thi trường và nhiều nhà đầu tư trong thời gian qua. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng để sản phẩm chính thức đi vào hoạt động. Với một sản phẩm khá mới mẻ nên để giúp các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận với sản phẩm mới trong giai đoạn đầu dự kiến những sản phẩm cơ bản và đơn giản nhất như sẽ được triển khai.

Một số đặc điểm của Chứng quyền có bảo đảm tại Việt Nam

Loại chứng quyền và tài sản cơ sở: Trong giai đoạn đầu loại chứng quyền được lựa chọn triển khai là chứng quyền mua (call) với tài sản cơ sở là các cổ phiếu đáp ứng các tiêu chí về vốn hóa, thanh khoản và hoạt động kinh doanh. Hiện nay, tài sản cơ sở được sàng lọc từ danh sách các cổ phiếu trong nhóm VN30 và đã được Sở GDCK TP.HCM và công bố định kỳ trên website của Sở.

Tổ chức phát hành: Chứng quyền có bảo đảm tại Việt Nam là một sản phẩm chứng khoán do công ty chứng khoán phát hành (bán) cho nhà đầu tư. Những công ty chứng khoán có đủ điều kiện theo các quy định về khả năng tài chính, hệ thống giao dịch, và nhân sự mới được phép trở thành tổ chức phát hành.

Giao dịch và thanh toán: Việc giao dịch và thanh toán chứng quyền có bảo đảm khá đơn giản tương tự như cổ phiếu. Nhà đầu tư dùng tài khoản giao dịch chứng khoán thông thường để giao dịch chứng quyền có bảo đảm và tuân thủ theo nguyên tắc khi mua phải có đủ tiền và khi bán phải có đủ chứng quyền. Tuy nhiên, việc giao dịch ký quỹ không được áp dụng và quỹ đại chúng chỉ đầu tư vào chứng quyền chỉ với mục đích phòng ngừa rủi ro. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, giao dịch chứng quyền có bảo đảm không bị hạn chế về tỷ lệ sở hữu. Việc thực hiện quyền sẽ được thực theo kiểu Châu Âu. Nhà đầu tư chỉ được yêu cầu thực hiện quyền đối với các chứng quyền trong trạng thái có lãi tại ngày đáo hạn. Trường hợp nhà đầu tư không yêu cầu thực hiện quyền, những chứng quyền trong trạng thái có lãi vẫn sẽ được tổ chức phát hành thanh toán tiền (khoản chênh lệch giữa giá thanh toán và giá thực hiện của chứng khoán cơ sở) cho nhà đầu tư.

Mô hình hoạt động của chứng quyền có bảo đảm tại Việt Nam

Mô hình hoạt động của chứng quyền có bảo đảm là một chuỗi các hoạt động xuyên suốt, bắt đầu từ khâu đăng ký chào bán và kết thúc bằng hoạt động thực hiện quyền của nhà đầu tư khi chứng quyền có bảo đảm đáo hạn. Cụ thể:

Đăng ký chào bán và phát hành: Sau khi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện theo quy định, tổ chức phát hành gửi hồ sơ đăng ký chào bán chứng quyền có bảo đảm cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán cho tổ chức phát hành trong vòng 20 ngày. Sau đó, tổ chức phát hành sẽ tiến hành thực hiện ký quỹ bảo đảm thanh toán tại Ngân hàng lưu ký và phân phối chứng quyền có bảo đảm cho nhà đầu tư. Theo quy định tại Thông tư 107/2016/TT-BTC số lượng cổ phiếu quy đổi từ các chứng quyền đã phát hành của tất cả tổ chức phát hành không vượt quá hạn mức so với tổng số cổ phiếu tự do chuyển nhượng.

Đăng ký, lưu ký, niêm yết: Việc đăng ký, lưu ký và niêm yết là bắt buộc đối với sản phẩm chứng quyền có bảo đảm. Sau khi kết thúc việc phân phối chứng quyền có bảo đảm tại thị trường sơ cấp, tổ chức phát hành tiến hành đăng ký, lưu ký toàn bộ số lượng chứng quyền có bảo đảm được phép phát hành theo Giấy Chứng nhận đăng ký chào bán với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và đăng ký niêm yết với Sở Giao dịch Chứng khoán cho dù tại thị trường sơ cấp, tổ chức phát hành có phân phối hết chứng quyền hay không.

Giao dịch và thanh toán: Sau khi niêm yết, việc giao dịch và thanh toán chứng quyền có bảo tương tự như cổ phiếu, nhà đầu tư được dùng tài khoản giao dịch chứng khoán thông thường để giao dịch chứng quyền có bảo đảm. Để thị trường hoạt động hiệu quả, tổ chức phát hành phải có nghĩa vụ thực hiện hai hoạt động quan trọng là hoạt động tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro (hedging) nhằm cung cấp thanh khoản cho thị trường cũng như đảm bảo có đủ tài sản cho nhà đầu tư thực hiện quyền.

Thực hiện quyền: Đây là khâu cuối cùng đối với từng vòng đời của chứng quyền. Sau thời gian niêm yết, các chứng quyền sẽ đáo hạn và quy trình thực hiện quyền của nhà đầu tư xảy ra. Nhà đầu tư chỉ được yêu cầu thực hiện quyền đối với các chứng quyền trong trạng thái có lãi tại ngày thực hiện. Trường hợp nhà đầu tư không yêu cầu thực hiện quyền, những chứng quyền trong trạng thái có lãi vẫn sẽ được tổ chức phát hành thanh toán tiền (khoản chênh lệch giữa giá thanh toán và giá thực hiện của chứng khoán cơ sở) cho nhà đầu tư.

Với quy mô và cấu trúc hàng hành hóa thiện nay của thị trường chứng khoán Việt Nam thì sự ra đời của chứng quyền có bảo đảm được kỳ vọng đây sẽ là sản phẩm có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư, góp phần hoàn thiện cấu trúc hàng hóa trên thị trường và thu hút vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán.

 

Tham khảo văn bản pháp lý về Chứng quyền có bảo đảm:

1. Nghị định 60/2015/NĐCP ngày 26/6/2015 sửa đổi nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của luật chứng khoán, luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật chứng khoán.

2. Thông tư 107/2016/TT-BTC hướng dẫn chào bán và giao dịch Chứng quyền có bảo đảm của Bộ Tài chính;

3. Quyết định 72/QĐ-UBCK về việc ban hành Quy chế hướng dẫn chào bán và phòng ngừa rủi ro chứng quyền có bảo đảm của UBCKNN;

4. Quy chế giao dịch chứng khoán tại Sở GDCK TP.HCM;

5.  Quy định thời gian giao dịch, biên độ giao động giá, đơn vị giao dịch, loại lệnh áp dụng tại Sở GDCK TP.HCM;

6.  Quy chế hoạt động tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro của tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm tại Sở GDCK TP.HCM;

7. Quy chế niêm yết và công bố thong tin đối với chứng quyền có bảo đảm tại Sở GDCK TP.HCM;

8. Quy chế niêm yết chứng khoán tạị Sở GDCK TP.HCM;

9. Quy chế hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán giao dịch và thực hiện chứng quyền có bảo đảm của Trung tâm lưu ký chứng khoán.

Nguồn tin: SSC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây