Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ tại Việt Nam

25/06/2019 | Tin từ SSC

           Theo Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) tại Việt Nam, việc xây dựng và phát triển TTCKPS được thực hiện theo lộ trình từ đơn giản đến phức tạp, đảm bảo khả năng quản lý, giám sát các rủi ro trên thị trường. Trong đó, giai đoạn tổ chức vận hành thị trường (giai đoạn 2016-2020) sẽ tổ chức giao dịch các sản phẩm phái sinh dựa trên chỉ số chứng khoán, trái phiếu Chính phủ và cổ phiếu.

          Tại thời điểm chuẩn bị cho việc ra mắt TTCKPS trước tháng 8/2017, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch triển khai cả hai sản phẩm là: HĐTL chỉ số VN30 và HĐTL TPCP kỳ hạn 5 năm. Tuy nhiên, HĐTL chỉ số VN30 được lựa chọn triển khai trước (được tổ chức giao dịch thành công từ ngày 10/8/2017 cùng với thời điểm ra mắt TTCKPS) và HĐTL TPCP kỳ hạn 5 năm sẽ được triển khai sau một thời gian nhất định (từ 1-2 năm). Do đó, về mặt khung pháp lý và hệ thống công nghệ cho giao dịch sản phẩm HĐTL TPCP đã sẵn sàng ngay từ thời gian đầu triển khai TTCKPS. Công tác triển khai sản phẩm HĐTL TPCP trong thời gian gần đây là xem xét các vấn đề cụ thể về hợp đồng như: phê duyệt và công bố chi tiết các nội dung điều khoản của hợp đồng; xác định các tỷ lệ ký quỹ; giới hạn vị thế; đối tượng nhà đầu tư (NĐT) tham gia giao dịch sản phẩm HĐTL TPCP và thực hiện công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức tới các NĐT nhằm trang bị hành trang kiến thức cần thiết trước khi giao dịch một sản phẩm mới.

          Hiện nay, công tác chuẩn bị cho việc triển khai sản phẩm HĐTL TPCP 5 năm đã hoàn tất, dự kiến sẽ chính thức tổ chức giao dịch vào ngày 04/7/2019 tại SGDCK Hà Nội.

  1. Tổng quan sản phẩm HĐTL TPCP sẽ triển khai tại Việt Nam

HĐTL TPCP là một loại chứng khoán phái sinh niêm yết, có tài sản cơ sở là một trái phiếu Chính phủ. Giống như các sản phẩm HĐTL khác, HĐTL TPCP là công cụ được giao dịch trên một sở giao dịch tập trung với những điều khoản được chuẩn hóa. Các yếu tố chuẩn hóa về cơ bản được nêu chi tiết trong bản mô tả đặc tính của hợp đồng.

Trên cơ sở đánh giá nhu cầu thị trường, điều kiện thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm phát triển HĐTL TPCP thành công tại một số nước trong khu vực, SGDCK Hà Nội đã thiết kế mẫu hợp đồng HĐTL TPCP kỳ hạn 5 năm và được UBCKNN chấp thuận tại Công văn số 4735/UBCK-PTTT ngày 30/7/2018 với các nội dung cơ bản của hợp đồng như sau:

- HĐTL TPCP kỳ hạn 5 năm tại Việt Nam có tài sản cơ sở là trái phiếu giả định có những đặc điểm tương tự một TPCP với mệnh giá 100.000 đồng, kỳ hạn kỳ hạn 5 năm, lãi suất danh nghĩa 5%/năm, trả lãi định kỳ 12 tháng/lần, trả gốc một lần khi đáo hạn. Việc lựa chọn kỳ hạn của trái phiếu giả định là 5 năm đã được cân nhắc, tính toán dựa trên thanh khoản cũng như tỷ trọng của loại kỳ hạn này trong cơ cấu kỳ hạn phát hành trên thị trường giao ngay. Theo thống kê của SGDCK Hà Nội, TPCP kỳ hạn 5 năm được Kho bạc Nhà nước phát hành nhiều nhất trên thị trường sơ cấp và có thanh khoản tốt trên thị trường thứ cấp. Việc lựa chọn TPCP kỳ hạn 5 năm làm tài sản cơ sở của HĐTL TPCP được kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt nhất nhu cầu đầu tư và phòng ngừa rủi ro của các NĐT.

- Quy mô hợp đồng là 1 tỷ đồng được xem xét lựa chọn trên cơ sở tham vấn ý kiến của thành viên thị trường và phù hợp với điều kiện TTCKPS Việt Nam trong giai đoạn đầu phát triển với số lượng NĐT có hạn, thanh khoản còn hạn chế. Quy mô hợp đồng quá lớn sẽ làm giảm số lượng NĐT có khả năng tham gia giao dịch, hạn chế thanh khoản, dễ thao túng giá khiến thị trường dễ xảy ra những biến động mạnh. Ngoài ra, quy mô hợp đồng càng lớn thì khả năng NĐT có thể mua đủ tài sản cơ sở để chuyển giao trong trường hợp thanh toán chuyển giao vật chất sẽ càng nhỏ, làm tăng rủi ro mất khả năng thanh toán.

- Đơn vị giao dịch hay khối lượng giao dịch HĐTL TPCP tối thiểu là 1 hợp đồng, tương đương 1 tỷ đồng giá trị danh nghĩa. Như vậy, NĐT có thể đặt các lệnh giao dịch với khối lượng là 1, 2, 3…. hợp đồng. Tuy nhiên, số tiền thực tế NĐT bỏ ra để giao dịch một HĐTL TPCP chỉ bằng quy mô hợp đồng nhân với tỷ lệ kỹ quỹ theo yêu cầu của TTLKCK. Vì vậy, các công cụ phái sinh nói chung và HĐTL TPCP nói riêng là các công cụ sử dụng đòn bầy tài chính.

- Tháng đáo hạn: HĐTL TPCP có 3 tháng đáo hạn gần theo chu kỳ quý gần nhất. Ví dụ: vào thời điểm tháng 2, SGDCK niêm yết HĐTL TPCP đáo hạn vào các tháng 3, 6, 9.

- Phương thức chuyển giao HĐTL TPCP là phương thức chuyển giao vật chất (physical delivery) với ngày thanh toán cuối cùng là ngày làm việc thứ ba sau ngày giao dịch cuối cùng. Người bán lựa chọn và quyết định chuyển giao trái phiếu trong rổ trái phiếu giao hàng để thực hiện nghĩa vụ thanh toán trái phiếu cho người mua. Đổi lại, người mua thanh toán tiền khi nhận được trái phiếu tại ngày thanh toán cuối cùng. Tất cả các nghiệp vụ thanh toán này đều được thực hiện thông qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (TTLKCK) với tư cách là đối tác bù trừ trung tâm (CCP): là người mua đối với tất cả các người bán và là người bán đối với tất cả các người mua. Trong một số trường hợp, khi bên bán mất khả năng thanh toán, không có đủ trái phiếu để chuyển giao thì có thể sẽ chuyển sang hình thức thanh toán bằng tiền và bên bán sẽ chịu các chi phí có liên quan cũng như chịu một mức phạt nhất định theo quy định tại Thông tư 23/2017/TT-BTC ngày 19/3/2017 của Bộ Tài chính.

   Trong thực tế tại các thị trường phái sinh trên thế giới, chỉ 2-3% HĐTL TPCP được giữ đến khi đáo hạn để thực hiện thanh toán đáo hạn. Phần lớn các HĐTL TPCP thường được tất toán (offset) trong tháng đáo hạn hoặc được quay vòng (roll-over1). Ví dụ như tại Nhật Bản, tỷ lệ các HĐTL TPCP được quay vòng trước hạn lên đến 99%; còn tại thị trường Mỹ, tỷ lệ HĐTL TPCP được nắm giữ đến khi đáo hạn chỉ khoảng 2,6%2.

- Tỷ lệ ký quỹ của HĐTL TPCP do TTLKCK quyết định trên cơ sở tính toán mức độ rủi ro và được cơ quan quản lý là UBCKNN chấp thuận. Tỷ lệ ký quỹ có thể thay đổi theo điều kiện diễn biến thị trường. Hiện nay, đối với HĐTL TPCP, TTLKCK dự kiến áp dụng 2 loại ký quỹ là: ký quỹ ban đầu và ký quỹ thực hiện hợp đồng. Trong đó, mức ký quỹ ban đầu tối thiếu dự kiến là 2,5% và mức ký quỹ thực hiện hợp đồng tối thiểu dự kiến là 5%. Các công ty chứng khoán (CTCK) có thể áp dụng các mức ký quỹ này bằng hoặc cao hơn mức ký quỹ tối thiểu do TTLKCK công bố.

- Giới hạn lệnh theo quy định tại Nghị định 42/2015/NĐ-CP là số lượng chứng khoán phái sinh tối đa có thể đặt trên một lệnh giao dịch. Đối với HĐTL TPCP, giới hạn lệnh tối đa được thực hiện trên một lệnh là 500 hợp đồng.

- Giới hạn vị thế theo quy định tại mẫu HĐTL TPCP do TTLKCK quyết định, được UBCKNN chấp thuận theo Công văn số 2620/UBCK-PTTT ngày 02/5/2019 cụ thể như sau: giới hạn vị thế áp dụng đối với loại hình NĐT chứng khoán chuyên nghiệp là 10.000 hợp đồng/tài khoản; NĐT tổ chức là 5.000 hợp đồng/tài khoản. Trước mắt chưa áp dụng giới hạn vị thế đối với NĐT cá nhân vì trong giai đoạn đầu, HĐTL TPCP được định hướng là các NĐT tổ chức, chưa thực hiện đối với NĐT cá nhân nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ (do NĐT cá nhân không nắm giữ các TPCP trên thị trường cơ sở). Về lâu dài, có thể xem xét cho phép các NĐT cá nhân tham gia để thúc đẩy thanh khoản cho thị trường cũng như đa dạng hóa các đối tượng đầu tư. (Tham khảo các điều khoản cụ thể được quy định tại mẫu HĐTL TPCP 5 năm dưới đây)


Bảng 1: Mẫu hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ 5 năm tại Việt Nam
 

TT Điều khoản Mô tả
  Tên hợp đồng HĐTL trái phiếu chính phủ 5 năm
  Mã hợp đồng Theo quy ước của Sở GDCK Hà Nội
  Tài sản cơ sở TPCP kỳ hạn 5 năm, mệnh giá 100.000 đồng, lãi suất danh nghĩa 5,0%/năm, trả lãi định kỳ cuối kỳ 12 tháng/lần, trả gốc một lần khi đáo hạn
  Quy mô hợp đồng 1 tỷ đồng
  Hệ số nhân hợp đồng 10.000
  Tháng đáo hạn 03 tháng cuối 3 Quý gần nhất
  Phương thức giao dịch Phương thức khớp lệnh
Phương thức thỏa thuận
  Thời gian giao dịch Mở cửa: sớm hơn thị trường cơ sở 15 phút
Đóng cửa: cùng giờ thị trường cơ sở.
  Biên độ dao động +/-3% so với giá tham chiếu
  Bước giá/ đơn vị yết giá 1 đồng
  Đơn vị giao dịch 1 hợp đồng
  Ngày giao dịch cuối cùng Ngày 15 của tháng đáo hạn hoặc ngày giao dịch liền trước nếu ngày 15 là ngày nghỉ
  Ngày thanh toán cuối cùng Ngày làm việc thứ ba kể từ ngày giao dịch cuối cùng
  Phương thức thanh toán Chuyển giao vật chất
  Phương pháp xác định giá thanh toán cuối ngày Theo quy định của TTLKCK
  Phương pháp xác định giá thanh toán cuối cùng Giá thanh toán cuối ngày tại ngày giao dịch cuối cùng
  Giá tham chiếu Giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước hoặc giá lý thuyết (trong ngày giao dịch đầu tiên)
  Tiêu chuẩn trái phiếu giao hàng TPCP do KBNN phát hành, có kỳ hạn còn lại từ 3 năm đến 7 năm tính đến ngày thanh toán cuối cùng, có giá trị niêm yết tối thiểu 2.000 tỷ đồng. Hệ số chuyển đổi được tính theo lãi suất danh nghĩa 5,0%/năm
19. Mức ký quỹ Theo quy định của TTLKCK
20. Giới hạn lệnh 500 hợp đồng/lệnh
21. Giới hạn vị thế Theo quy định của TTLKCK
22. Ngày niêm yết Khi ra mắt hợp đồng

Nguồn: Website của SGDCK Hà Nội

 

2. Một số kinh nghiệp quốc tế về phát triển sản phẩm HĐTL TPCP và kỳ vọng cho Việt Nam

               Định hướng phát triển HĐTL TPCP kỳ hạn 5 năm lại Việt Nam không chỉ dựa trên nhu cầu trong nước, thực tiễn thị trường mà còn được cơ quan quản lý xem xét, đánh giá xu hướng của thị trường thế giới và bài học thành công có được từ các TTCKPS trong khu vực. Trong đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia điển hình trong khu vực Châu Á đã có thị trường HĐTL TPCP tương đối phát triển và có khá nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.

               Kinh nghiệm của Nhật Bản

              Nhật Bản có một thị trường tài chính phát triển bậc nhất Châu Á và cũng là một thị trường tài chính có thị trường trái phiếu nói chung và TTPS trên trái phiếu Chính phủ nói riêng phát triển thành công nhất. Trước đây, các sản phẩm phái sinh trên TPCP được tổ chức cùng với các sản phẩm phái sinh trên cổ phiếu và chỉ số cổ phiếu trên sàn giao dịch Tdex - Tokyo Derivatives Exchange thuộc SGDCK Tokyo (TSE- Tokyo Stock Exchange). Tuy nhiên từ năm 2013, sau khi tập đoàn SGDCK Nhật Bản (JPX) được thành lập trên cơ sở hợp nhất SGDCK Tokyo và SGDCK Osaka thì tất cả sản phẩm phái sinh tài chính được tổ chức giao dịch trên SGDCK Osaka (OSE) cho đến nay.

            Thị trường HĐTL TPCP Nhật Bản có 4 loại sản phẩm là HĐTL TPCP kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 20 năm và HĐTL TPCP mini kỳ hạn 10 năm (có quy mô bằng 1/10 của HĐTL TPCP kỳ hạn 10 năm). HĐTL TPCP Nhật kỳ hạn 10 năm được phát hành theo quý, bắt đầu vào tháng Ba của mỗi năm. Chúng là những hợp đồng được chuẩn hóa với giá trị danh nghĩa 100 triệu Yên và có lãi suất coupon là 6%, được chi trả 6 tháng/lần.

            Vào những năm 1960, TPCP được bán cho các tổ chức tài chính nhằm tái thiết đất nước sau Thế chiến II. Các tổ chức tài chính này bị buộc phải nắm giữ TPCP và bị hạn chế chuyển nhượng theo yêu cầu của Bộ Tài chính Nhật Bản. Từ năm 1984, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch các TPCP làm nảy sinh nhu cầu cần có công cụ để phòng ngừa rủi ro cho TPCP. Và các HĐTL đối với TPCP đã được xem xét và bắt đầu được giao dịch tại Nhật vào năm 1985. Ban đầu, các HĐTL TPCP được phát hành với kỳ hạn 10 năm nhằm trùng khớp với tình hình giao dịch đang gia tăng ở TPCP kỳ hạn 10 năm. Đó chính là lý do khiến TPCP kỳ hạn 10 năm được chọn làm tài sản cơ sở cho HĐTL TPCP Nhật, trong đó người Nhật học tập theo mô hình thị trường HĐTL TPCP Mỹ, nơi mà HĐTL TPCP kỳ hạn 10 năm là đáng chú ý nhất.

                   Về mặt pháp lý, giao dịch các công cụ phái sinh được điều chỉnh bởi Luật Giao dịch và Các công cụ tài chính (The Financial Instruments and Exchange Act) là văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh trong lĩnh vực chứng khoán nói chung và CKPS nói riêng tại Nhật Bản. Dựa trên các quy định chung này, các SGDCK phái sinh thiết lập các quy chế hướng dẫn về giao dịch và thanh toán các CKPS trên SGDCK.

                   Cơ quan quản lý, giám sát lĩnh vực chứng khoán và TTCK của Nhật Bản là Ủy ban Giám sát Tài chính (FSA- Financial Supervisory Agency). Trong đó, Ủy ban giám sát Thị trường chứng khoán và Giao dịch chứng khoán (SESC) là một cơ quan thuộc FSA trực tiếp quản lý và giám sát các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán và phái sinh.

                  Kinh nghiệm của Hàn Quốc

                  Trong những năm 1995 – 2005, TTCK Hàn Quốc bắt đầu chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong giao dịch phái sinh. Kể từ khi bắt đầu đưa vào sản phẩm HĐTL chỉ số KOSPI 200 vào tháng 5/1996 và HĐQC chỉ số KOSPI 200 vào tháng 7/1997, khối lượng giao dịch phái sinh tăng lên đáng kể, giúp tạo ra thanh khoản rất lớn cho thị trường cổ phiếu của nước này.

                 Đối với thị trường trái phiếu, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu mở rộng thị trường TPCP sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á vào cuối những năm 1990. Số lượng TPCP đã gia tăng mạnh nhằm bù đắp những khoản thâm hụt của Chính phủ. Bộ Tài chính và Chiến lược (MOSF- Ministry of Strategy and Finance) là tổ chức phát hành các TPCP và hầu hết là trái phiếu kho bạc (KTB- Korean Treasury Bond) trong đó Trái phiếu kho bạc 3 năm là loại trái phiếu được phát hành đầu tiên. Trên cơ sở đó, HĐTL trái phiếu kho bạc Hàn Quốc 3 năm (3-year KTB Futures) bắt đầu được giao dịch vào tháng 9/1999. Chính phủ Hàn Quốc đưa ra HĐTL này nhằm mục tiêu phòng vệ rủi ro lãi suất kỳ hạn dài, đồng thời nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường TPCP tại thời điểm mà giao dịch TPCP cũng đang gia tăng mạnh mẽ.

               Đến nay, các sản phẩm phái sinh trên TPCP tại Hàn Quốc phát triển khá đa dạng với 4 loại sản phẩm là: HĐTL Trái phiếu kho bạc 3 năm được đưa vào giao dịch năm 1999, HĐTL trái phiếu kho bạc 5 năm được đưa vào giao dịch năm 2003 và HĐTL Trái phiếu kho bạc 10 năm được đưa vào giao dịch năm 2008 và HĐTL trái phiếu ổn định tiền tệ (Monetary stabilization bond – MSB Futures). Hiện nay, HĐTL trái phiếu kho bạc 3 năm là loại CKPS có khối lượng giao dịch nhiều nhất và mang tính chất đặc trưng cho TTCKPS trên trái phiếu tại Hàn Quốc. Các sản phẩm phái sinh trái phiếu được giao dịch tập trung trên SGD phái sinh KOFEX thuộc SGDCK Hàn Quốc KRX (Korea Exchange).

              Kỳ vọng đối với Việt Nam

              Qua nghiên cứu sự phát triển thị trường HĐTL TPCP tại Nhật Bản và Hàn Quốc có thể nhận thấy: sự ra đời các sản phẩm phái sinh trên TPCP, trước hết là HĐTL TPCP, xuất phát từ nhu cầu phòng vệ rủi ro của NĐT nắm giữ các TPCP cơ sở trên nền tảng một thị trường TPCP tương đối tốt; các HĐTL TPCP được thiết kế trên các TPCP có thanh khoản tốt, được phát hành với khối lượng lớn (như HĐTL TPCP kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản hay HĐTL TPCP kỳ hạn 3 năm của Hàn Quốc).

             Tương tự như vậy, tại Việt Nam TPCP kỳ hạn 5 năm đang là loại TPCP được phát hành với tỷ trọng lớn và thanh khoản tương đối tốt trên thị trường giao ngay. Bên cạnh đó, việc lựa chọn TPCP 5 năm cũng phù hợp với định hướng trong Nghị quyết 78/2014/NQ-QH ngày 11/10/2014 về phát hành TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên kể từ năm 2015. Trong những năm qua, thị trường TPCP tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và độ sâu thị trường. Tốc độ tăng trưởng về quy mô bình quân đạt 15%/năm (trong vòng 5 năm trở lại đây), tương đương khoảng 20% GDP; thanh khoản thị trường bình quân phiên đạt mức 8,72 nghìn tỷ đồng trong năm 2018. Tỷ trọng giao dịch repo tăng mạnh, chiếm 53,6% giá trị giao dịch toàn thị trường3.

             Do đó, việc triển khai sản phẩm HĐTL TPCP kỳ hạn 5 năm được kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu phòng vệ rủi ro của NĐT cũng như sự phát triển thị trường TPCP. Việc tổ chức thị trường cũng có nhiều điểm giống với Nhật Bản và Hàn Quốc như tổ chức giao dịch các sản phẩm phái sinh TPCP trên thị trường tập trung (qua SGDCK) thay vì giao dịch trên OTC; khuyến khích các chủ thể tham gia là các NHTM, CTCK, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, tài chính… trong đó NHTM và CTCK là những đối tượng được phép giao dịch trực tiếp trên hệ thống của SGDCK. Các chủ thể khác như các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, tài chính phải thông qua các thành viên giao dịch của SGD.

             Việt Nam cũng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về khung pháp lý; hệ thống kỹ thuật (giao dịch và thanh toán); phổ biến kiến thức đến NĐT … như các nước này trước khi triển khai sản phẩm. Điều đó giúp chúng ta có niềm tin và kỳ vọng rằng, trong thời gian tới việc đưa vào giao dịch sản phẩm HĐTL TPCP sẽ đáp ứng được nhu cầu của NĐT, trên cơ sở áp dụng những thực tiễn tốt nhất của các thị trường đi trước để tiếp tục có được những kết quả tích cực như sản phẩm đầu tiên là HĐTL chỉ số VN30 đã đạt được./.

Vụ Phát triển Thị trường UBCKNN
 

*1 Roll-over có thể hiểu là 1 hình thức được NĐT sử dụng khi không muốn thực hiện thanh toán hay đóng vị thế trước hạn mà muốn chuyển vị thế nắm giữ của mình sang các tháng đáo hạn xa hơn.

*2 Trích từ tài liệu: Một số câu hỏi về HĐTL TPCP trên website của SGDCK Hà Nội.

*3 Trích Báo cáo tình hình TTCK năm 2018 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển TTCK năm 2019 tại Hội nghị phát triển thị trường tháng 2/2019.

Nguồn tin: SSC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây