Các ngân hàng thương mại đang loay hoay với bài toán mới, nên áp dụng lãi suất ở mức nào là hợp lý.
Theo lãnh đạo một số ngân hàng thương mại, các động thái hỗ trợ của Ngân hàng nhà nước như giảm lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ tiết giảm chi phí đầu vào cho các ngân hàng.
Tuy nhiên, khoản chi phí đó là không đáng kể so với chi phí cho lượng vốn tồn đọng hiện nay các ngân hàng đang ôm đồm do trước đó đã huy động với lãi suất quá cao, trên 18% một năm. Vì vậy, với mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến hiện nay tại các ngân hàng thương mại là 16%/ năm sẽ rất khó có thể giảm sâu hơn.
Ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông cho biết: "Vừa qua ngân hàng đã đưa lãi suất cho vay về mức 16% một năm. Trước mắt khó có thể giảm thấp hơn. Nguồn vốn cũ còn tồn đọng hiện là vấn đề các ngân hàng phải đau đầu giải quyết. Để đưa được lãi suất cho vay về mức thấp, các ngân hàng cần phải giảm mạnh lãi suất huy động".
So với những đợt giảm lãi suất cơ bản trước các ngân hàng lập tức giảm ngay lãi suất đầu ra, còn hiện nay các nơi đang loay hoay với bài toán mới: Nên áp dụng lãi suất cho vay thấp nhất hiện nay ở mức nào là hợp lý.
Trên thị trường các ngân hàng cũng đang nhìn ngó nhau trước khi đưa quyết định chính thức. Theo lãnh đạo một số ngân hàng, việc giảm lãi suất cơ bản thực sự không có nhiều ý nghĩa trong tình hình mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã được đưa xuống mức thấp.
Một số ngân hàng cho biết, trước mắt sẽ giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1-3% một năm. Mặt bằng lãi suất của các ngân hàng hiện nay đang ở mức 14%-15% sẽ được điều chỉnh lùi về mức khoảng 12% một năm. Theo đó, lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn ngắn sẽ được các nhà băng điều chỉnh giảm sâu.
Trong chiều 20/11, đã có một số ngân hàng thông báo giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, áp dụng bắt đầu vào ngày 21/11.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK), giảm lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn từ 1%-1,5%. Theo đó, lãi suất đầu vào cao nhất tại nhà băng này sẽ ở mức 13% một năm, kỳ hạn gửi 9 tháng, lãnh lãi cuối kỳ. "Ngân hàng mạnh tay giảm lãi suất huy động đầu vào ngắn hạn để tiến tới giảm tiếp lãi suất cho vay, đồng thời tính toán kế hoạch kinh doanh cho năm tới", ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc ABBANK cho biết.
Theo mức giảm, ABBANK áp dụng cho vay tài trợ xuất khẩu thấp nhất là 15,5% đối với VND và 7,5% đối với USD. Khách hàng doanh nghiệp có giao dịch thanh toán thường xuyên với ABBANK sẽ được cho vay VND với lãi suất 16,25% một năm và vay USD với lãi suất 8,5%. Vừa qua, ngân hàng này có lúc áp dụng lãi vay thấp nhất 14% một năm đối với một số khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê, thủy sản.
Ngay trong chiều 20/11, Ngân hàng Liên Việt (LienViet Bank) công bố hạ lãi suất cho vay ưu đãi VND xuống còn 14,5%, lãi suất cho vay thông thường15,5% một năm. Lãi suất USD ngắn hạn sẽ là 7,2%, trung và dài hạn 7,5% một năm. Như vậy, lãi suất đầu ra ngân hàng này đã giảm khoảng 1%-1,5%. "Ngân hàng đang tính tới việc sẽ giảm tiếp lãi suất cho vay trong đầu tháng 12 tới", ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng giám đốc của LienViet Bank cho biết.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng công bố hạ lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất cho vay thông thường sẽ giảm 2,5%, xuống còn 13,5% một năm và lãi suất cho vay ưu đãi giảm 1,5%, từ mức 13,5% xuống còn 12% một năm, mức thấp nhất trên thị trường hiện nay.
Đại diện Vietcombank cho hay: "Mục tiêu của ngân hàng là hướng tới mục tiêu tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh khả thi, có hiệu quả và có khả năng trả nợ đúng hạn".
Trước đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố giảm lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn 3,5% so với mức trần mới theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất phổ thông kỳ hạn ngắn của BIDV tối đa là 14%, trung dài hạn là 14,8% một năm.
|